Văn hóa

Mối tình Việt – Nhật

Chuyện kể rằng, vào năm 1619, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã gả người con gái nuôi là công chúa Ngọc Hoa cho Araki Sotaro, nhà hàng hải kiệt xuất thuộc dòng dõi Samurai, thương nhân Nhật Bản đứng đầu các doanh nhân sang buôn bán tại Hội An, từ đó mối quan hệ bang giao giữa hai nước Việt – Nhật ngày càng đơm hoa kết trái…
Câu chuyện thương cảng Hội An và mối lương duyên giữa công chúa Ngọc Hoa cùng thương nhân Araki Sotaro hơn 400 năm về trước đã biến Quảng Nam thành một trong những nơi khởi nguồn cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.
 
Tiếp nối và phát triển mối quan hệ đó, thời gian qua, mối quan hệ giữa tỉnh Quảng Nam và các địa phương của Nhật Bản ngày càng phát triển. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư tại Quảng Nam hơn 20 dự án với tổng vốn đầu tư trên 720 triệu đô la, góp phần vào sự phát triển của địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng có hơn 1.400 lao động đang làm học tập và làm việc tại Nhật Bản.
 
Năm 2017, tỉnh Quảng Nam kí kết quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Nagasaki. Đặc biệt, vào tháng 11 năm 2017, trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC, với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Nhật Bản Shinzo Abe, Không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản cùng với mô hình Châu Ấn thuyền do tỉnh Nagasaki tặng đã được khai trương tại thành phố Hội An.


Đêm khai mạc chuỗi sự kiện “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam”
và “Chương trình giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản lần thứ 16” tại phố cổ Hội An. Ảnh: Thanh Hoà


Hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đổ về phố cổ Hội An theo dõi các hoạt động văn hoá độc đáo
tại “Chương trình giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản lần thứ 16”. Ảnh: Thanh Hoà


Hình ảnh tái hiện đám cưới công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Araki Sotaro trên đường phố Hội An. Ảnh: Thanh Hoà


Dãy đèn lồng truyền thống của Hội An rực rỡ với hoạ tiết trang trí hình hoa anh đào nổi tiếng của Nhật Bản. Ảnh: Thanh Hoà


Thần Ebisu, vị thần cai quản và hộ mệnh cho nền thương mại, nông nghiệp và ngư nghiệp của Nhật Bản,
đem nụ cười và may mắn đến cho người dân phố Hội. Ảnh: Thanh Hoà


Đôi bạn già người Nhật Bản hạnh phúc trong dịp đến Hội An dự lễ hội giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản lần thứ 16.
Ảnh: Thanh Hoà
 
Trên cơ sở đó, nhân kỉ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973 - 21/9/2018), từ ngày 17 đến 19/8, tại phố cổ Hội An đã diễn ra chuỗi sự kiện “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam” và “Chương trình giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản lần thứ 16”.
 
Sự kiện diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn như: hội thảo về xây dựng và phát triển đô thị thông minh gắn với bảo vệ môi trường, tọa đàm về kinh nghiệm giáo dục Nhật Bản, giao lưu hữu nghị Quảng Nam - Nhật Bản, gặp gỡ doanh nghiệp Nhật Bản...
 
Ngoài ra, trong suốt thời gian diễn ra sự kiện còn có không gian trưng bày giao lưu văn hóa Nhật Bản - Việt Nam; các hoạt động trải nghiệm như trà đạo, trò chơi dân gian Nhật Bản - Việt Nam; tour tham quan "Dấu xưa Nhật Bản"; trưng bày hàng thủ công mĩ nghệ giới thiệu các sản phẩm làng nghề truyền thống của Việt Nam; nghệ thuật ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam...
 
Đặc biệt, chương trình còn có giao lưu nghệ thuật giữa các ca sĩ, đoàn nghệ thuật của Nhật Bản và Việt Nam, giao lưu nghệ thuật đường phố, nhảy Yosakoi, múa Obon, biểu diễn võ thuật Judo, tái hiện đám cưới công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Araki Sotaro, hoạt cảnh "Trang phục Hội An – Kí ức thời gian"…
 

Nhà vô địch Judo người Nhật Bản Nishiyama Masashi giao lưu trình diễn kĩ thuật Judo
với các bạn trẻ Việt Nam ngay trên đường phố Hội An. Ảnh: Thanh Hoà


Tiết mục “À Ố Show” đầy vui nhộn và mang đậm tính dân gian của các nghệ sĩ Việt Nam. Ảnh: Thanh Hoà


Nhiều du khách tỏ ra bất ngờ và thú vị với các hoạt động quảng diễn trên đường phố Hội An. Ảnh: Thanh Hoà


Một chú bé người nước ngoài xin chữ thầy đồ trên đường phố Hội An. Ảnh: Thanh Hoà


Du khách nước ngoài vừa thưởng thức cà phê vỉa hè vừa theo dõi các hoạt động nghệ thuật đường phố. Ảnh: Thanh Hoà


Các tình nguyện viên hào hứng chuẩn bị cho các sự kiện văn hoá diễn ra trên đường phố Hội An. Ảnh: Thanh Hoà


Dấu ấn con người và văn hoá phố Hội. Ảnh: Thanh Hoà

Có thể nói, đây là dịp để tỉnh Quảng Nam mở rộng quan hệ, giao lưu hợp tác với các đối tác Nhật Bản trên các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đầu tư thương mại, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, lao động việc làm, cũng như tăng cường việc quảng bá, giới thiệu đến du khách và bạn bè quốc tế về một tỉnh Quảng Nam năng động, tích cực hội nhập và nhiều tiềm năng phát triển.
 
Ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam tin rằng, thông qua sự kiện giao lưu văn hóa lần này, tỉnh Quảng Nam và các đối tác Nhật Bản sẽ có cơ hội tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước, đưa quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản đi vào chiều sâu, hiệu quả và ngày càng bền chặt./.
 
Thực hiện: Thanh Hoà

DK1 vững vàng nơi đầu sóng

DK1 vững vàng nơi đầu sóng

Trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, hơn 35 năm qua, Nhà giàn DK1 vẫn luôn đứng đó, sừng sững, hiên ngang như một “pháo đài thép”. Giữa sóng gió trùng khơi, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 vẫn luôn nắm chắc tay súng, vững chân sóng giữ cho lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay, khẳng định đanh thép chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Top