Phủ Dầy ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản (Nam Định) là một quần thể kiến trúc nổi tiếng liên quan đến Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Ở đây, mọi hoạt động văn hóa, tín ngưỡng liên quan đến tục thờ Mẫu diễn ra sôi động quanh năm, mà cao điểm và ấn tượng nhất là dịp Lễ hội Phủ Dầy.
Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ cúng ở nhiều nơi nhưng ở Phủ Dầy là trung tâm và còn lưu giữ nhiều nghi lễ độc đáo. Bởi nói như các nhà nghiên cứu văn hóa thì Lễ hội Phủ Dầy là một thành phần quan trọng tạo nên “bản đại diễn xướng sử thi Liễu Hạnh”. Điều đó cho thấy Phủ Dầy có ý nghĩa rất lớn trong tiềm thức văn hóa và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
Tam phủ gồm: Thiên phủ (miền Trời), Nhạc phủ (miền rừng núi) và Thoải phủ (miền sông nước). Đứng đầu mỗi phủ là một vị Thánh Mẫu gồm: Mẫu Thượng Thiên (Mẫu Đệ Nhất) cai quản bầu trời, Mẫu Thượng Ngàn (Mẫu Đệ Nhị) trông coi miền rừng núi, và Mẫu Thoải (Mẫu Đệ Tam) trông coi miền sông nước. |
Vào dịp này, Phủ Dầy được trang hoàng lộng lẫy cờ hoa. Du khách thập phương đến đây cũng đông hơn ngày thường. Dòng người về đây cầu may mắn, sức khỏe với niềm tin sẽ được Tam tòa Thánh Mẫu hiển linh để phổ độ chúng sinh, mang lại may mắn cho mọi nhà.
Trong Lễ hội, du khách còn được thưởng thức nhiều hoạt động độc đáo như nghi Lễ rước đuốc, Rước kiệu Mẫu, nghệ thuật hát văn, đồng, hội xếp chữ…
Nghi Lễ rước đuốc được diễn ra đầu tiên vào tối mùng 3 tháng 3 Âm lịch. Đây là nghi lễ có từ lâu đời và ngày càng được tổ chức quy mô hơn. Ngọn lửa thiêng được xin từ phủ chính Tiên Hương rồi chia sẻ với 1000 ngọn đuốc khác và trao cho bà con trong vùng rước đi quanh Phủ Dầy. Tục rước đuốc này diễn ra với mong muốn ngọn lửa tượng trưng cho ánh sáng để thắp sáng niềm tin, hy vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người.
Đặc biệt, trong Lễ hội Phủ Dầy, nghi thức rước kiệu Mẫu là nghi thức quan trọng nhất. Tam tòa Thánh Mẫu sẽ được rước bằng kiệu hoa từ phủ Mẫu Tiên Hương đi tới Chùa Tiên Hương thỉnh Phật rồi quay trở lại.
Lễ hội Phủ Dầy với các hoạt động trung tâm liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ đã chính thức là một phần Di sản Văn hóa Phi vật thể địa diện của nhân loại được UNESCO công nhận. Di sản này, đã góp phần tô điểm thêm cho "bức tranh" văn hóa đặc sắc của người Việt. |
Lễ rước kiệu Mẫu được diễn ra náo nhiệt với sự tham gia của dân chúng quanh vùng và hàng ngàn du khách thập phương. Những đội múa rồng, múa lân …. với nhiều sắc màu tạo nên một không khí vui nhộn và trang nghiêm mang đậm nét lễ hội của người Việt. Đặc biệt, trong đám rước, từ phủ chính Tiên Hương có 3 con rồng được kết bằng bóng bay sẽ được thả lên trời để tượng trưng cho Tam tòa Thánh Mẫu thăng thiên./.