Đời sống Việt

Lễ Cầu ngư ở Đà Nẵng trở thành Di sản của Quốc gia

Sáng 20/2/2019, tức nhằm ngày 16 tháng Giêng năm Kỷ Hợi, trong bầu không khí ấm áp hơi xuân của những ngày đầu năm mới, ngư dân quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng đã long trọng tổ chức Lễ hội Cầu ngư truyền thống. Đặc biệt, nhân dịp này, người dân Thanh Khê còn vinh dự được đại diện cho ngư dân Đà Nẵng đón bằng công nhận Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng là Di sản Văn hóa Phi vật thể của Quốc gia.
Hằng năm, thường là sau khi ăn Tết xong, ngư dân Đà Nẵng lại tổ chức lễ tế Cá Ông lồng ghép dưới hình thức Lễ hội Cầu ngư và lễ ra quân đánh bắt vụ cá đầu năm.

Tục thờ cá Ông không chỉ là sự tôn kính thần linh mà còn được xem như gắn liền với sự hưng thịnh của cả làng nghề đánh bắt cá trên biển. “Ông” là tiếng gọi tôn kính của ngư dân dành riêng cho cá voi, loài cá thiêng mà ngư dân tin rằng sẽ giúp họ vượt qua tai nạn khi lênh đênh trên biển cả.

Tại Đà Nẵng, Lễ hội Cầu ngư được tổ chức ở những vùng ven biển như Thanh Khê, Mân Thái, Thọ Quang, Thanh Lộc Đán, Xuân Hà, Hòa Hiệp... Đây là lễ hội lớn nhất của ngư dân thành phố Đà Nẵng.


Báo ảnh Việt Nam xin giới thiệu đến bạn đọc những hình ảnh
về Lễ hội Cầu ngư truyền thống của ngư dân quận Thanh Khê, Đà Nẵng:



 Đội thuyền đánh cá của Đà Nẵng trên cảng cá Thọ Quang. Ảnh: Thanh Hòa


Ngay từ sáng sớm, nghi lễ rước cá Ông đã diễn ra trang nghiêm bên bờ biển Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê.
Ảnh: Thanh Hòa


Kiệu thờ cá Ông được đội nghi lễ thành kính rước đi bên bờ biển. Ảnh: Thanh Hòa


Đại diện các bậc cao niên trong làng quỳ lạy làm lễ nghinh Ông trước kiệu thờ cá Ông được đặt hướng ra phía biển.
Ảnh: Thanh Hòa


Người chủ tế quỳ đọc bài văn khấn trước kiệu thờ cá Ông. Ảnh: Thanh Hòa


Trên kiệu thờ cá Ông có đẩy đủ phẩm vật hương hoa bánh trái, trầu rượu, vàng mã... ngoài ra còn có cả một bài văn tế
có nội dung kể về công trạng của cá Ông và cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng đánh bắt được bội thu. Ảnh: Thanh Hòa


Mùa lễ hội năm nào các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh của Đà Nẵng
cũng tham gia tiết mục múa trình tường cầu “quốc thái dân an”, cầu “ngư dân thắng lợi”. Ảnh: Thanh Hòa


Người dân và du khách làm lễ, dâng hương tại Lễ hội Cầu ngư quận Thanh Khê. Ảnh: Thanh Hòa


Ông Robert Walts, một ngư dân sống ở bang California của Mỹ đã rất ngạc nhiên và thú vị khi phát hiện ra rằng ngư dân
vùng biển Việt Nam không chỉ giỏi nghề đi biển mà họ còn có cả một lễ hội rất đặc sắc và độc đáo về biển. Ảnh: Thanh Hòa


Kiệu cá Ông được rước về khán đài chính của Lễ hội để chuẩn bị cho lễ tế chính. Ảnh: Thanh Hòa


Nổi trống khai hội cầu ngư. Ảnh: Thanh Hòa


Cờ xí tung bay, trống chiêng lừng vang khai hội cầu ngư 2019. Ảnh: Thanh Hòa


Các bậc cao niên thành kính làm lễ trước ban thờ chính của Lễ Cầu ngư. Ảnh: Thanh Hòa


Đội hò bả trạo thành kính cúi lạy trước hương án trước khi bước vào biểu diễn. Ảnh: Thanh Hòa


Những điệu hò và múa thể hiện đậm nét văn hóa và hoạt động nghề nghiệp của ngư dân vùng biển. Ảnh: Thanh Hòa


Hương án Lễ Cầu ngư được bày bên bờ biển Nguyễn Tất Thành
với rất nhiều phẩm vật và luôn có người thành kính trông coi, săn sóc. Ảnh: Thanh Hòa


Đại diện chính quyền và ngư dân quận Thanh Khê vinh dự đón Bằng công nhận
Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng là Di sản Văn hóa Phi vật thể của Quốc gia. Ảnh: Thanh Hòa

Thanh Khê là một quận trung tâm của thành phố Đà Nẵng, có chiều dài bờ biển hơn 4,2km. Nơi đây có nền kinh tế biển lâu đời, gắn liền với ngành đánh bắt thủy hải sản. Hàng năm, cứ đến ngày 16 tháng Giêng, ngư dân quận Thành Khê lại tổ chức Lễ hội Cầu ngư để cầu quốc thái dân an, một năm đánh bắt bội thu, an lành, đồng thời cũng để nhằm thể hiện ý nghĩa tâm linh – tín ngưỡng và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương mình.

Tại mùa Lễ hội năm nay, ngư dân quận Thanh Khê đã vinh dự đại diện cho ngư dân Đà Nẵng đón nhận Bằng công nhận Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng là Di sản Văn hóa Phi vật thể của Quốc gia.

Như vậy, bên cạnh nghệ thuật tuồng xứ Quảng, nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, Lễ hội Cầu ngư đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của Quốc gia. Đây là một lễ hội thể hiện đậm nét đặc trưng văn hóa vùng biển của Đà Nẵng, đồng thời cũng góp phần vào việc bảo tồn, làm giàu và phát huy sự đa dạng kho tàng bản sắc văn hóa biển của Việt Nam nói chung. Đặc biệt, Lễ hội Cầu ngư còn được các nhà nghiên cứu đánh giá là nguồn sử liệu, là bằng chứng phong phú, xác thực về chủ quyền biển đảo và kinh nghiệm ứng xử với biển đảo của các thế hệ người Việt Nam.

 
Bài và ảnh: Thanh Hòa

Chic Chillax - nơi thương nhớ đồng quê xứ Quảng

Chic Chillax - nơi thương nhớ đồng quê xứ Quảng

Thay vì những không gian thưởng thức cà phê đường phố ồn ào, náo nhiệt như thường thấy thì giờ đây mô hình những quán cà phê mang phong cách đồng quê đang ngày càng được nhiều người ưa chuộng vì ở đó người ta tìm thấy sự thư giãn bình yên, một liệu pháp chữa lành chứng quá tải của đời sống đô thị thời hiện đại. Và đó chính là sự thú vị mà Chic Chillax, một không gian thưởng thức cà phê mang đậm phong vị đồng quê xứ Quảng mà nhiều người khó có thể bỏ qua khi đến với phố cổ Hội An.

Top