Đại sứ Dương Chí Dũng (người thứ 3 từ trái sang) và đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên thảo luận về
“Quyền phụ nữ và biến đổi khí hậu: hành động về khí hậu, thực tiễn và bài học tốt”. Ảnh: TTXVN phát. |
Phiên thảo luận thu hút sự tham gia, đóng góp của đông đảo các nước và đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ (NGO), trong đó có Tổng thống nước Cộng hòa Quần đảo Marshall, Hilda Heine (Hin-đa Hây-ne); cựu Tổng thống Ireland, Mary Robinson (Me-ri Rô-bin-xơn) và Cao ủy Nhân quyền LHQ, Michele Bachelet (Mi-sên Ba-chê-lết). Các diễn giả kêu gọi tăng cường thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong xây dựng chính sách toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tiếp cận lương thực, y tế, nước sạch, nhà ở và giáo dục đối với phụ nữ và trẻ em gái, nhất là tại các nước đang phát triển. Nhiều nước cũng phát biểu chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt trong thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổng thống nước Cộng hòa Quần đảo Marshall, Hilda Heine cảm ơn nỗ lực của Việt Nam, Philippines và Bangladesh trong thúc đẩy quyền phụ nữ trước tác động của biến đổi khí hậu. Cựu Tổng thống Ireland, Mary Robinson đánh giá cao Nghị quyết 38/4 và việc tổ chức phiên thảo luận về chủ đề này.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, Đại sứ Dương Chí Dũng nhấn mạnh hơn 70% dân số Việt Nam, trong số đó có phụ nữ và trẻ em gái, đang hứng chịu những ảnh hưởng do thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Trong triển khai Chiến lược Quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã lồng ghép các biện pháp nhằm tăng cường khả năng chống chịu của phụ nữ trước biến đổi khí hậu và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong quá trình ra quyết sách về ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng khuyến khích sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan LHQ và các tổ chức quốc tế trong tăng cường năng lực của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Đại sứ Dương Chí Dũng đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các cam kết theo Công ước khung LHQ và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, và khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Phiên thảo luận đã diễn ra thành công, thể hiện sự tiếp nối những đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền, trong bối cảnh vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương đang là vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm cao.
Khóa họp thường kỳ lần thứ 41 Hội đồng Nhân quyền diễn ra từ ngày 24/6 đến ngày 12/7. Trong khuôn khổ khóa họp, Việt Nam sẽ tham gia Phiên họp thông qua Báo cáo Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III; đồng thời phối hợp với các nước trong Nhóm nòng cốt về biến đối khí hậu xây dựng dự thảo Nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu đến việc thụ hưởng quyền của người khuyết tật./.
TTXVN/VNP