Khám phá

Đình làng Việt - Những điều còn mất

Triển lãm “Đình làng Việt - Những điều còn mất” là nơi để CLB Đình làng Việt chia sẻ cho công chúng một góc nhìn đặc sắc về không gian văn hóa truyền thống của Việt Nam, đồng thời mô phỏng chân thực hiện trạng thay đổi, biến dạng, xuống cấp của các di tích đình làng truyền thống tại nhiều địa phương.
Theo CLB Đình làng Việt, kiến trúc đình làng được hình thành vào khoảng thế kỷ 15 và định hình vào thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18. Đình làng là kiến trúc độc đáo mang đậm những giá trị đặc sắc của người Việt vùng châu thổ Bắc Bộ. Đình làng là kiến trúc chung của cả cộng đồng, là nơi tụ họp khi làng có việc, là địa điểm diễn ra lễ hội để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đình làng là nơi nuôi dưỡng các thể loại diễn xướng dân gian như ca trù, hát xoan, chèo, quan họ…

Chính vì những lý do đó, CLB Đình làng Việt đã ra đời và nhanh chóng thu hút hơn 4000 thành viên yêu thích di sản nói chung và đình làng nói riêng. Mục tiêu của CLB này là chia sẻ thông tin, kiến thức về đình làng (kiến trúc, chạm khắc trang trí và những kiến thức về lịch sử văn hóa xung quanh ngôi đình làng của người Việt).

Sau một thời gian hoạt động, CLB Đình làng Việt đã nhanh chóng nhận được nhiều hình ảnh đẹp của cộng đồng mạng, cùng với những thông tin về các ngôi đình cổ được các thành viên từ các địa phương chia sẻ.



Triển lãm "Đình làng Việt – Những điều còn mất" thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu văn hóa cổ.


Nhiều du khách nước ngoài cũng đến để tìm hiểu về nét văn hoá kiến trúc đình làng của Việt Nam.


Triển lãm không những thu hút được những người lớn tuổi
mà còn có rất nhiều bạn trẻ đến để tìm hiểu về văn hoá kiến trúc của cha ông thời xưa.


Triển lãm còn có khu trình diễn kĩ thuật điêu khắc gỗ
nhằm giúp người xem hiểu hơn về kĩ thuật xây dựng đình làng truyền thống.


Trình diễn kĩ thuật sơn son thếp vàng và bạc trong nghệ thuật trang trí đình làng.


Du khách tự tay khám phá kĩ thuật sơn son thếp vàng trên các kết cấu trang trí đình làng.

Triển lãm Đình làng Việt giới thiệu hơn 100 bức ảnh của các thành viên CLB Đình làng Việt. Đây là những tác phẩm thể hiện nét đẹp đình làng Việt được các thành viên CLB chụp hoặc sưu tầm được tại nhiều làng xã trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Trong Triển lãm có nhiều bức ảnh tập trung mô tả hiện trạng biến đổi của các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của hệ thống đình làng Việt Nam truyền thống. Nhiều bức ảnh đã tập trung mô tả sự hư hại nghiêm trọng đến mức có nguy cơ bị biến mất của các chi tiết kiến trúc đình làng. Thông qua đó, CLB Đình làng Việt muốn cảnh báo nguy cơ xuống cấp trầm trọng của các di tích đình làng trước sức tàn phá của thiên nhiên và con người.



Những bức ảnh mô tả sự xuống cấp của các chi tiết trong đình làng Việt. Ảnh: CLB Đình làng Việt


Bức ảnh mô tả Lễ rước đình Hùng Lê ở Phú Thọ. 
Ảnh: CLB Đình làng Việt


Quán Nghinh Hương (xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội),
nơi tổ chức nghênh đón những người con của làng đi thi đỗ đạt trở về vinh quy bái tổ. 
Ảnh: CLB Đình làng Việt
 

Hình chạm khắc tiên cưỡi rồng 
trang trí ở đình Thắng (Hiệp Hoà, Bắc Giang), 
hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: CLB Đình làng Việt


Hình chạm khắc trai gái vui đùa trang trí ở đình Hưng Lộc (xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định).
Ảnh: CLB Đình làng Việt


Hình chạm khắc cảnh đi săn ở đình Hương Canh (xã Hương Canh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc).
Ảnh: CLB Đình làng Việt


Hình chạm khắc cô tiên ở đình Tường Phiêu (xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, Hà Nội).
Ảnh: CLB Đình làng Việt


Hình chạm khắc tiên nữ ở đình Ngọc Than (Hà Nội). Ảnh: CLB Đình làng Việt

Bạn Ngọc Anh, một sinh viên đang theo học tại Hà Nội chia sẻ: “Đến xem Triển lãm tôi được chiêm ngưỡng những nét cổ kính của đình Tây Đằng, đình Đồng Kỵ và những làn điệu hát xoan, chiếu chèo sân đình mà trước đây chỉ biết qua sách báo.Tôi đã khám phá ra nhiều tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhận thấy được tầm quan trọng trong việc bảo tồn những di tích lịch sử truyền thống. Triển lãm thực sự đã mở ra một vốn kiến thức mới cho những thế hệ trẻ chúng tôi”.

Triển lãm đồng thời là cầu nối giao lưu, gặp gỡ, trao đổi giữa những chuyên gia, nhà nghiên cứu yêu mến văn hóa truyền thống Việt Nam. Triển lãm sẽ kéo dài đến hết 22/8 tại không gian văn hóa Heritage Space, tòa nhà Dolphin Plaza, 28 Trần Bình (Hà Nội)./.

 
Bài: Trịnh Bộ - Ảnh: Khánh Long    

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Đến với Quy Nhơn (Bình Định), du khách không chỉ được khám phá những bãi biển đẹp, các danh lam thắng cảnh hùng vĩ mà còn được chiêm ngưỡng những tòa tháp Chăm cổ kính có niên đại trên dưới ngàn năm tuổi. Trong số đó, Tháp Đôi là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu luôn thu hút đông đảo du khách tới tham quan và khám phá.

Top