Asean

Chống rác thải nhựa trên sông Mê Kông

Là con sông chạy qua Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông, có hơn 70 triệu người sống dựa vào nguồn nước chính của con sông này. Tuy nhiên, việc vứt rác thải bừa bãi dọc theo chiều dài sông đã biến Mê Kông trở thành một trong mười con sông ô nhiễm nhất thế giới. Hiện, những nỗ lực làm sạch rác thải nhựa dọc theo sông Mê Kông đang được các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông chung tay hành động.
Tháng 2 vừa qua, trong một hội thảo tại Vientiane (Lào), do Ban Thư ký Ủy ban Sông Mekong (MRC) và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) khu vực châu Á-Thái Bình Dương tổ chức, khoảng 50 quan chức chính phủ và các nhà nghiên cứu đến từ 4 quốc gia sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã cùng thảo luận về phương pháp đánh giá để nghiên cứu ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Mê Kông.

Hội thảo này đã đã thống nhất tiếp tục hợp tác, nhằm cung cấp thêm thông tin chi tiết và bằng chứng khoa học về tình hình ô nhiễm nhựa tại khu vực cũng như ảnh hưởng của chúng tới môi trường và con người sinh sông ven sông Mê Kông, đồng thời đưa ra những khuyến nghị chính sách để giải quyết vấn đề này.


Khu vực có nhiều rác ở chợ nổi Cái Răng, quận Ninh Kiều (Cần Thơ). Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN


Rác thải nhựa tràn ngập một khúc sông Mê Kông đoạn chảy qua Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN


Trẻ em bơi tại bể bơi đầy chai nhựa trong chiến dịch nâng cao nhận thức về môi trường, bảo vệ nguồn nước sông Mê Kông ở Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN


Tổng cục môi trường, Viện tăng trưởng xanh, Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) đã tổ chức Lễ phát động chiến dịch “Làm sạch sông  Mê Kông”
đoạn qua tỉnh Vĩnh Long. Tham gia chiến dịch, hàng chục tình nguyện viên đã thu gom rác dọc theo bờ sông,
nhằm chống lại tình trạng ô nhiễm nước do chất thải trôi nổi trên sông Mê Kông. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN 

 
Tập đoàn Hanwha đã bàn giao hai tàu thu gom rác chạy bằng năng lượng mặt trời trị giá khoảng 2,5 tỷ đồng cho tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN

Về vấn đề rác thải nhựa trên sông Mê Kông đã được bà bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam kêu gọi các chính phủ, doanh nghiệp và người dân các nước thuộc vùng Mê Kông hãy hành động thiết thực. Đó là nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần; sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; thu gom, xử lý rác thải nhựa.
Theo một nghiên cứu trên tạp chí Environmental Science & Technology tháng 11/2017, Mê Kông là một trong 10 dòng sông mang 88-95% rác thải nhựa ra các đại dương trên thế giới. Cũng theo một công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Christian Schmidt, nhà địa chất thủy văn học tại Trung tâm Nghiên cứu môi trường Helmholtz (Đức) chỉ ra, sông Mê Kông là 1 trong 10 con sông gây ô nhiễm nhất thế giới.

Từ cuối năm 2019, Chính phủ Việt Nam và người dân vùng ĐBSCL đã có những hành độ cụ thể, quyết liệt. Mới đây, Tổng cục Môi trường Việt Nam đã phối hợp với  Tập đoàn  Hanwha (Hàn Quốc) phát động chiến dịch “làm sạch sông Mê Kông”. Trong dịp này, Hanwha đã tặng tỉnh Vĩnh Long 2 tàu vớt rác. Điểm đặc biệt là tàu chạy bằng năng lượng mặt trời, không thải khí gây ô nhiễm, chạy khá êm, tiếng máy nhỏ, không gây ảnh hưởng đến động vật. Theo ông Sun-Mok Choi, Chủ tịch kiêm Trưởng ban Truyền thông Tập đoàn Hanwha, nếu thử nghiệm thành công, Hanwha sẽ mở rộng hoạt động ra các tỉnh thành khác.

Bên canh đó, Tp. Cần Thơ đã phối hợp với  tổ chức The Ocean Cleanup (TOC) của Hà Lan đặt hệ thống thuyền thu gom rác nổi tự động trên sông tại thành phố này. Đây là thuyền thu gom rác thải trên sông tự động do TOC tự nghiên cứu. Thiết bị này sử dụng năng lượng mặt trời, được kết nối với điện thoại để biết lượng rác thu gom. TOC đặt mục tiêu thu gom khoảng 90% lượng rác nổi trên sông. Nếu thuận lợi, TOC sẽ nhân rộng hàng trăm hệ thống thu gom rác tự động như thế trên các con sông toàn thế giới./.

 
Bài: Phong Thu - Ảnh: TTXVN


Top