ASEAN ứng phó với thiên tai
Với địa hình da dạng từ đất liền đến các quốc đảo, ASEAN hứng chịu nhiều thiên tai dữ dội như: bão lũ, sóng thần, động đất, núi núi lửa phun trào, nước biển dâng… Để tạo ra một khu vực an toàn hơn, các quốc gia ASEAN chỉ có thể cùng nhau chia sẻ và tăng cường phối hợp để phòng chống thiên tai.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Indonesia và Malaysia là những điểm nóng dễ xảy ra lũ lụt, xói mòn bờ biển và cháy rừng. Thái Lan đang chịu tác động của biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực, phải chống chọi với nắng nóng và hạn hán. Nếu mực nước biển dâng khoảng 2m sẽ ảnh hưởng đến 28% dân số và 52% GDP. Còn tại Indonesia, mực nước biển dâng cao có tác động đến các vùng đất than bùn trũng rộng lớn được sử dụng để sản xuất dầu cọ.
Tương tự như vậy ở Việt Nam, nơi sản lượng nông nghiệp đóng vai trò quan trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng, mực nước biển dâng cao 2m sẽ có tác động tàn phá đối với người dân. Trong khi đó, theo dữ liệu vệ tinh, các vùng ven biển của Malaysia cũng sẽ không nằm ngoại lệ.
Cũng theo hình ảnh vệ tinh còn cho thấy nguy cơ cháy rừng tại một số quốc gia ở Đông Nam Á đang ở mức báo động.
Cơ quan Phát triển Công nghệ Không gian và Tin học Địa lý Thái Lan cũng cho biết tại Thái Lan, Kanchanaburi là tỉnh có số vụ cháy cao nhất với 110 vụ. Ngoài Thái Lan, các vệ tinh ghi nhận 4.056 điểm nóng tại Campuchia, 979 điểm ở Myanmar, 622 điểm ở Lào và 166 điểm ở Việt Nam.
Biến đổi khí hậu và tình trạng các đại dương ấm lên do con người gây ra đang làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, như bão Yagi. Theo UNICEF, 6 triệu trẻ em tại Đông Nam Á đã chịu ảnh hưởng của cơn bão này, do gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước sạch, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và nơi trú ẩn.
Hiên nay, một số quốc gia Đông Nam Á đang hợp tác với Hà Lan để tìm giải pháp ứng phó với tình trạng thủy triều dâng cao và lũ lụt do biến đổi khí hậu. Bởi Hà Lan vốn có hàng chục năm kinh nghiệm trong quản lý nước, với mong muốn sẽ giúp giảm hàng tỷ USD chi phí cho các hệ thống thảm họa lũ lụt và thiệt hại mà người dân nơi đây phải gánh chịu.
Theo các nhà quan sát, các thử nghiệm của Hà Lan về các tòa nhà nổi và biện pháp bảo vệ bờ biển có thể giúp định hướng cho nỗ lực chống lại tình trạng thủy triều dâng cao của Đông Nam Á.
Trong số những sáng kiến được sử dụng ở Hà Lan là rào chắn bão Maeslant nằm gần cảng Rotterdam, nơi đã bảo vệ bờ biển phía Nam đất nước trong hơn 25 năm. Rào chắn hoàn toàn tự động này sẽ tự động đóng lại khi mực nước biển dâng cao trên 1,5m, bảo vệ đất nước có 40% diện tích nằm dưới mực nước biển. Rào chắn bão tương tự duy nhất khác trên thế giới nằm ở thành phố Saint Petersburg của Nga.
Đông Nam Á là một trong những nơi chịu tổn thương nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, mặc dù các hoạt động của Ủy ban ASEAN về Quản lý Thiên tai ACDM đã mang lại tiến bộ đáng kể trong việc phát triển quản lý thảm họa trong khu vực. Tuy nhiên trong bối cảnh rủi ro thiên tai ngày càng gia tăng, vẫn còn những thách thức phía trước. Bằng cách hợp tác cùng nhau trên tinh thần một ASEAN, một phản ứng chung, ASEAN sẵn sàng giải quyết những thách thức này và tiến tới là một tổ chức đi đầu về quản lý thiên tai./.
Bài: VNP Ảnh: TTXVN