Tin tức

Việt Nam khẳng định ưu tiên đảm bảo quyền của lao động nữ

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị Lao động Quốc tế, ngày 5/6, tại Geneva (Thụy Sĩ). (Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN)
Từ ngày 28/5 đến 8/6, khoảng 5.000 đại biểu, gồm đại diện các chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động của 187 quốc gia thành viên Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tham dự Hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 107 tại thành phố Geneva.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Lao động Quốc tế lần thứ 107 gồm đại diện cơ chế ba bên: Chính phủ (Bộ Lao động-Thuong binh và Xã hội), người lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) và người sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam).

Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tham gia sự kiện.

Ngày 5/6, thay mặt đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên ILO, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đã có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể hội nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá cao và ủng hộ Sáng kiến thiên niên kỷ của ILO về “Phụ nữ tại nơi làm việc: lực đẩy hướng tới bình đẳng.”

Sáng kiến này góp phần bổ sung cho các công cụ chính sách hiện tại nhằm thúc đẩy bình đẳng giới bằng cách tiếp cận mới, đảm bảo công bằng xã hội toàn cầu.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định Việt Nam nhận thức rõ vai trò đóng góp của lao động nữ đối với sự thịnh vượng chung và phát triển bền vững, do đó, đảm bảo quyền của lao động nữ tại nơi làm việc là một trong các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Điều này đã được thể hiện bằng việc ban hành luật pháp, chính sách để tạo điều kiện cho phụ nữ được nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý, lãnh đạo và có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận thị trường.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, một trong những mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam là giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động.

Các chương trình, đề án như: giáo dục nghề nghiệp-việc làm và an toàn lao động, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp... đã tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tiếp cận với cơ hội việc làm, tham gia vào thị trường lao động, thoát nghèo, nâng cao quyền năng kinh tế.

Với những nỗ lực đó, đến nay, lao động nữ chiếm 48,1% trong tổng số 54,8 triệu người lao động. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ là 72%. Tỷ lệ phụ nữ tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp là hơn 25%. Khoảng cách về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động và thu nhập cũng được cải thiện đáng kể.

Quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những cơ hội để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế, song cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn, nhất là đối với phụ nữ. Phụ nữ ngày càng có nguy cơ bị loại ra khỏi nền kinh tế chính thức, hoặc có ít lựa chọn công việc hơn.

Vì vậy, cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tiềm năng và thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực nữ. Từ đó, nâng cao địa vị của phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới; thúc đẩy lồng ghép bình đẳng giới vào quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển nguồn nhân lực trong phạm vi toàn quốc.

Vừa qua, Việt Nam đã thông qua 2 nghị quyết về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và tiền lương. Đây là cơ sở quan trọng để Quốc hội, Chính phủ và các đối tác ba bên của Việt Nam tiến hành các cải cách sâu rộng về hệ thống bảo hiểm xã hội và chính sách tiền lương gắn với quan hệ lao động.

Trong quá trình xây dựng 2 văn kiện quan trọng này, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật có hiệu quả của ILO.

Ngoài ra, các hoạt động hợp tác với ILO trong quá trình chuẩn bị sửa đổi Bộ luật Lao động; bình đẳng giới, quan hệ lao động, giáo dục nghề nghiệp, an toàn lao động... đang được triển khai hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc tăng cường năng lực cho Chính phủ và các đối tác xã hội.

Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của ILO và các nước thành viên trong việc: thúc đẩy cải cách luật pháp lao động, đặc biệt là các chính sách bảo hiểm xã hội và quan hệ lao động; tăng cường các cơ chế đối thoại xã hội; nghiên cứu và phê chuẩn các công ước của ILO, đặc biệt là các công ước cơ bản; và triển khai Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam-ILO về việc làm bền vững giai đoạn 2017-2021.

Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực thực hiện tốt nghĩa vụ thành viên; tiếp tục duy trì và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa ILO và các đối tác ba bên tại Việt Nam./.

TTXVN/VNP

UNESCO đồng hành với Ninh Bình trong phát huy giá trị di sản

UNESCO đồng hành với Ninh Bình trong phát huy giá trị di sản

Ngày 26/4, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn đã tiếp Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 Simona-Mirela Miculescu cùng đoàn công tác nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, tham dự Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Top