Triển lãm và tọa đàm về chủ đề Biển Đông tại Pháp. (Ảnh: Bích Hà/TTXVN)
|
Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với ông Jean-Pierre Archambault, Tổng thư ký Hội hữu nghị Pháp-Việt (AAFV), Tổng biên tập tạp chí Perspectives France-Vietnam.
Khái quát về những hoạt động chính của AAFV nhằm giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay, ông Jean-Pierre Archambault cho biết kể từ khi thành lập vào năm 1961, tình hữu nghị với Việt Nam luôn là kim chỉ nam trong tất cả các hoạt động của AAFV.
Trong những năm chiến tranh, đó là tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và tự do. Sau chiến thắng 1975, đó là sự hỗ trợ cho việc tái thiết một đất nước đã bị tàn phá, trong bối cảnh rất khó khăn vì chính sách cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây. Sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận năm 1994, đó là sự tăng cường phát triển các mối quan hệ giữa Việt Nam với Pháp và các nước trên toàn thế giới.
AAFV phối hợp chặt chẽ với Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh, đặc biệt đối với các nạn nhân chất độc da cam dioxin. AAFV đã luôn sát cánh bên bà Trần Tố Nga trong phiên tòa kiện 26 công ty hóa chất Mỹ yêu cầu thừa nhận tác hại của chất độc hóa học họ đã cung cấp cho quân đội Mỹ gây ra cho sức khỏe con người trong chiến tranh Việt Nam những năm 1960-1970.
Bên cạnh đó, AAFV đã có nhiều hoạt động phối hợp với các hội đoàn người Việt tại Pháp, với Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt. Hội đã lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Và trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu ngày nay, AAFV luôn tỏ rõ tinh thần đoàn kết với Việt Nam, một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng.
Ông Jean-Pierre Archambault khẳng định các dự án hợp tác song phương và đa phương giữa AAFV và Việt Nam là nội dung quan trọng trong kế hoạch hành động của AAFV. AAFV đã tham gia vào các Hội nghị hợp tác phi tập trung giữa Pháp và Việt Nam. AAFV cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp với chủ đề hợp tác với Việt Nam tại Phòng Thương mại và Công nghiệp ở Paris, Lyon và Toulouse. Y tế là một trong những lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa hai nước.
AAFV sẽ tham gia hội nghị Liên đoàn y tế Pháp-Việt Nam, dự kiến tổ chức ngày 15/6 tại Paris, cũng như hội nghị chuyên đề của Hiệp hội Pháp về chất da cam và rối loạn nội tiết trong hai ngày 24-25/5 tại Montpellier, với chủ đề "Lịch sử chiến tranh hóa học, rối loạn nội tiết, chất da cam và các hiệp hội."
Về mặt kinh tế, mặc dù là Pháp và Việt Nam là đối tác chiến lược từ năm năm nay, mối quan hệ hợp tác vẫn chưa như mong muốn. Đầu tư của Pháp tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. AAFV hợp tác chặt chẽ với nhiều công ty Pháp cũng như Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tại Pháp để tăng cường quan hệ song phương trong lĩnh vực này.
Đề cập đến tình hữu nghị giữa hai dân tộc phát triển không ngừng trong thời gian qua, nhờ có sự đóng góp của các hội đoàn trong đó có AAFV, ông Jean-Pierre Archambault cho biết một trong những nhiệm vụ của AAFV là giúp người Pháp hiểu hơn về Việt Nam, về lịch sử, nền văn minh, những thành quả trên mọi lĩnh vực và những thách thức phải giải quyết.
Để làm được điều này, Hội Hữu nghị Pháp-Việt tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, chiếu phim, triển lãm... AAFV xuất bản tạp chí Perspectives France-Vietnam nhằm thông tin và truyền bá về hợp tác song phương.
Hiện nay Hội đang tổ chức một giải thưởng Tài năng trẻ cho những công trình nghiên cứu của người Pháp về Việt Nam. Một số công trình ấn tượng gồm "Thành phố trong nghệ thuật đương đại Việt Nam" của Julie Capuano, sinh viên lịch sử nghệ thuật tại Đại học Paris-Sorbonne; "Hàm Nghi (1871-1944), hoàng đế nghệ sỹ bị đày ở Algiers" của Amandine Dabat, giảng viên Đại học khoa học xã hội; "Nước ảnh hưởng như thế nào đến cấu trúc qui hoạch và cảnh quan của một thành phố ở Việt Nam, ví dụ tại Hội An" của Marion Reinosa, sinh viên Đại học kiến trúc Toulouse.
Trong thời gian tới, AAFV sẽ tăng cường vận động các đối tác để thực hiện được dự án tổ chức Ngày các hiệp hội hữu nghị và đoàn kết với Việt Nam lần thứ ba vào năm 2019./.
TTXVN/VNP