Tin tức

Xây dựng thương hiệu áo dài Việt từ giá trị văn hóa bản địa

Đến nay áo dài đã trở thành thương hiệu độc đáo của người Việt. Hình ảnh tà áo dài Việt đã đi khắp toàn cầu, xuất hiện trong nhiều sự kiện giao lưu văn hóa, du lịch, ngoại giao, kinh tế... cùng người Việt. Trong đó, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần xây dựng thương hiệu áo dài từ giá trị văn hóa bản địa và đưa trang phục này "xuất ngoại" với kỳ vọng giới thiệu văn hóa, du lịch Việt đến bạn bè quốc tế.
  Nhà thiết kế, Nghệ nhân Trung Đinh (áo dài trắng) giới thiệu Lụa Bảo Lộc sử dụng trong bộ sưu tập áo dài "Non nước Việt Nam". Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

 Nâng tầm giá trị văn hóa trang phục Việt

Vừa qua, tại Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 9 năm 2023, nhiều nhà thiết kế - nghệ nhân không chỉ giới thiệu những bộ sưu tập áo dài truyền thống mang đậm màu sắc dân tộc, non sông đất nước... mà còn góp phần nâng tầm giá trị văn hóa trong trang phục này. Đặc biệt, cùng với trình diễn bộ sưu tập áo dài, nhiều nhà thiết kế - nghệ nhân còn mang quy trình sản xuất, dự án nghiên cứu, hành trình ngược dòng lịch sử để tìm về đa dạng giá trị văn hóa vùng, miền và thể hiện lên tà áo dài Việt Nam. 

Điển hình, nhà thiết kế Nguyễn Đức Huy, Thương hiệu cổ phục Đông Phong đã có buổi giới thiệu bộ sưu tập áo dài "Nếp màu tự nhiên" và trình diễn khâu nhuộm màu bằng chất liệu tự nhiên bản địa độc đáo. Theo nhà thiết kế Nguyễn Đức Huy, bộ sưu tập này, với áo tứ thân được may ghép từ nhiều tấm vải bông dệt tay nhuộm màu nâu từ củ nâu với tông màu khác nhau; áo Mãng lan được in hoa văn dựa trên các mẫu áo hiện vật; áo nhật bình với hoa văn dựa trên mẫu thật. Riêng chiếc áo phượng bào được in hoa văn dựa trên áo của Hoàng hậu Nam Phương... Tất cả sản phẩm trong bộ sưu tập đều được làm tỉ mỉ, tinh xảo, mở ra một mảng ký ức sống động của lịch sử, văn hóa Việt Nam trước mắt công chúng trong và ngoài nước.

  Đại diện thương hiệu áo dài Năm Tuyền giới thiệu bộ sưu tập áo dài ngũ thân qua câu chuyện "Vinh quy bái tổ". Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN  

Trong khi đó, bộ sưu tập áo dài "Non nước Việt Nam" của nhà thiết kế - nghệ nhân Trung Đinh tập hợp 18 tác phẩm áo dài được thiết kế trên nền Lụa Bảo Lộc, là thành quả của quá trình nghiên cứu và trải nghiệm nằm trong dự án dài hạn mang tên  “Lụa hát” đã triển khai trong vòng 10 năm qua. Mỗi sản phẩm đều được nhuộm màu thủ công, tạo nên những gam màu độc bản, sau đó ứng dụng kĩ thuật hội họa trên lụa để vẽ theo lối tả thực những danh lam thắng cảnh, văn hóa, tập quán... của từng vùng miền. Còn bộ sưu tập áo dài ngũ thân với câu chuyện "Vinh qui bái tổ" của thương hiệu áo dài Năm Tuyền, ngược dòng lịch sử với áo dài ngũ thân tay chẽn là loại thường phục được sáng tạo và định hình cùng với quá trình Nam tiến của người Việt từ đầu thế kỷ XVII, đến giữa thế kỷ XVIII được chúa Nguyễn Phúc Khoát định chế thành loại trang phục chung cho mọi tầng lớp xã hội. Các sản phẩm được nhà thiết kế này sử dụng chất liệu Mango, Lụa chéo, Tằm ướt đi cùng các gam màu trầm ấm được phối, nhấn với các gam màu sáng nóng. 

Để xây dựng thương hiệu cho tà áo dài Việt, đưa trang phục này đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành Du lịch đã phối hợp cùng các đơn vị liên ngành tổ chức đa dạng sự kiện lồng ghép vào những chương trình văn hóa, du lịch trọng điểm của thành phố. Cụ thể, trong tháng 3/2023, không gian triển lãm tôn vinh áo dài được tổ chức tại công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh với các tiểu cảnh chụp ảnh kết hợp khu triển lãm hình ảnh cuộc thi “Áo dài với gia đình”... Tại không gian này cũng đồng thời biểu diễn phong phú loại hình văn hóa phi vật thể của Việt Nam mà UNESCO đã vinh danh như Quan họ, Ví - giặm, Đờn ca tài tử… Hay như con đường nghệ thuật áo dài tại công viên Lam Sơn và quảng trường trước Nhà hát thành phố với khu vực tiểu cảnh chụp hình, triển lãm ảnh áo dài xưa; gian hàng trưng bày, đo may áo dài, kết hợp các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống, trình diễn áo dài và các hoạt động tương tác như xếp lá dừa nghệ thuật, vẽ tranh áo dài, nặn tò he, tranh gạo...
  Nhà thiết kế Nguyễn Đức Huy, Thương hiệu cổ phục Đông Phong (áo dài đen), trình diễn khâu nhuộm màu bằng chất liệu tự nhiên bản địa độc đáo sử dụng trong thiết kế bộ sưu tập áo dài "Nếp màu tự nhiên". Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

"Xuất ngoại" áo dài quảng bá du lịch 

Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, áo dài là một trong những trang phục đặc trưng, gắn với cuộc sống sản xuất và sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam qua nhiều thế hệ. Cùng với sự phát triển về kinh tế-xã hội của đất nước, Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, hình ảnh tà áo dài trở nên quen thuộc và là một trong các biểu tượng của Việt Nam trong lòng bạn bè thế giới. Không chỉ biểu trưng cho nét đẹp của người Việt, áo dài còn gợi nhớ đến một đất nước Việt Nam xinh đẹp, thân thiện, hiền hòa; điểm đến đậm đà bản sắc trong lòng du khách quốc tế. Sức mạnh nội sinh đó của áo dài chính là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thiết kế, văn nghệ sĩ trên cả nước sáng tạo để cùng Thành phố Hồ Chí Minh tạo nên những sự kiện, lễ hội áo dài ngày càng hấp dẫn người dân, du khách trong và ngoài nước. 

Điển hình, qua 8 lần tổ chức, Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành sự kiện du lịch văn hóa thường niên, đặc trưng của thành phố, góp phần lan tỏa tình yêu áo dài, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, qua đó giới thiệu đến bạn bè quốc tế và du khách về điểm đến thành phố mang tên Bác hiện đại, giàu bản sắc. Lễ hội này còn là dịp để ôn lại truyền thông yêu nước của dân tộc, nêu cao tinh thần và ý chí kiên cường, bất khuất bên trong vẻ đẹp dịu dàng, nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam khi gắn với kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3 và kỷ niệm cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Đặc biệt, Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 9 năm 2023 tiếp tục đầu tư về qui mô và đổi mới về nội dung, hình thức đã thể hiện khát vọng khôi phục mạnh mẽ và sẵn sàng tăng tốc để phát triển của thành phố mang tên Bác trong giai đoạn mới, cũng như thể hiện tình cảm và sự trân trọng mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng với bạn bè trong khu vực và quốc tế.

Dự kiến, sau Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 9 năm 2023, ngành Du lịch thành phố sẽ tổ chức quảng bá Lễ hội Áo dài tại Hội chợ Du lịch Quốc tế ITB Asia 2023 tại Singapore vào tháng 10/2023 với mục tiêu quảng bá sự kiện du lịch văn hóa đặc sắc của thành phố đến với các thị trường khách quốc tế. Qua đó, từng bước hiện thực hóa định hướng xây dựng Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh trở thành sự kiện du lịch văn hóa mang tầm quốc tế, góp phần thu hút, phát triển các thị trường khách quốc tế đến với Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung./.

Báo ảnh Việt Nam/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Dân chủ Congo

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Dân chủ Congo

Trong khuôn khổ Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) và Diễn đàn Nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu, chiều 22/1, tại thành phố Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tiếp Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Dân chủ Congo Vital Kamerhe.

Top