Tin tức
Việt Nam – Thái Lan hoạch định chiến lược hợp tác vì sự phát triển thịnh vượng của nhân dân hai nước
*Phóng viên: Trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2026, Đại sứ cho biết ý nghĩa và kỳ vọng về chuyến thăm chính thức Việt Nam sắp tới của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra?
*Đại sứ Urawadee Sriphiromya: Thái Lan và Việt Nam có quan hệ gắn bó gần gũi và nồng ấm trên mọi bình diện, bao gồm cả quan hệ giao lưu nhân dân. Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra mang nhiều ý nghĩa. Hai nước đã cùng nhau cố gắng để nâng cấp quan hệ lên cấp độ cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc hai nước sẽ tiếp tục phối hợp để tăng cường quan hệ thông qua việc hoạch định chiến lược chung, hướng tới sự phát triển thịnh vượng của đất nước và nhân dân hai nước. Đây là ý nghĩa quan trọng nhất của chuyến thăm.
Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm phù hợp khi hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1976 – 2026). Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước. Việc Thủ tướng Chính phủ hai nước gặp gỡ và trao đổi sẽ gửi tín hiệu đến tất cả các ngành, các cấp để cùng nhau tích cực phối hợp, tạo ra những điều mới hướng tới chào mừng kỷ niệm trong năm sau.
Chuyến thăm cũng diễn ra trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực trong đó có Thái Lan và Việt Nam đang phải đối mặt với sự bất ổn của tình hình quốc tế và sự thay đổi về địa chính trị, địa kinh tế dẫn đến việc chúng ta phải đối mặt với những thách thức to lớn về kinh tế. Đây là dịp để lãnh đạo hai nước cùng nhau trao đổi tìm ra các giải pháp, cùng hợp tác vượt qua những khó khăn hiện tại, củng cố vững chắc nền kinh tế và quan hệ trong khu vực khi chúng ta đều là thành viên của ASEAN.
*Phóng viên: Đại sứ có thể chia sẻ những nội dung nghị sự chính được lãnh đạo hai nước bàn thảo trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra?
*Đại sứ Urawadee Sriphiromya: Hợp tác hai nước không chỉ do các cơ quan Chính phủ thúc đẩy mà còn có sự tham gia của khối tư nhân và nhân dân hai nước. Do đó các nội dung trao đổi giữa lãnh đạo hai nước sẽ khá toàn diện.
Về hợp tác an ninh, chúng ta cần tăng cường củng cố để thích ứng với những hiểm họa dưới nhiều hình thức mà người dân của chúng ta là nạn nhân như ma túy hay như an ninh mạng. Về an ninh mạng, ngày nay mọi việc đều thực hiện trực tuyến nên sẽ hình thành những nhóm tội phạm mạng và hai nước chúng ta cũng bị ảnh hưởng, do đó chúng ta cần trao đổi về các biện pháp phòng, chống tội phạm mạng. Chúng ta cũng sẽ trao đổi về các biện pháp hợp tác nhằm phòng, chống và giải quyết những mối đe dọa đến từ không gian mạng bởi nó gây ra những thiệt hại cho nền kinh tế từ việc suy giảm lòng tin vào thương mại điện tử, các nền tảng thương mại điện tử mà chúng ta đang sử dụng.
Ngoài ra, trên lĩnh vực kinh tế, lãnh đạo hai nước đặt mục tiêu cần tăng cường kim ngạch thương mại. Đại sứ quán và các cơ quan phía Thái Lan chúng tôi đang hết sức phấn đấu cho mục tiêu này. Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ trong khu vực và trên thế giới, kim ngạch thương mại hai nước vẫn tăng 6% so với năm ngoái. Hiện nay kim ngạch thương mại đã đạt 20 tỷ USD và chắc chắn chúng ta sẽ trao đổi về các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại chung giữa hai nước. Chúng ta cũng có thể hợp tác về lĩnh vực logistic khi hai nước đang phải đối mặt với những bất ổn về tình hình quốc tế, yếu tố tác động đến kinh tế và chuỗi cung ứng hàng hóa mà Thái Lan và Việt Nam đều còn nhiều dư địa hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải.
Về vận tải hàng hóa, mặc dù hai nước không có đường biên giới chung nhưng chúng ta ở gần nhau, di chuyển từ Nakhon Phanom đến Hà Tĩnh chỉ mất khoảng 4 giờ đồng hồ. Thái Lan và Việt Nam cùng có kế hoạch phát triển tuyến đường sắt liên vận. Do vậy chúng ta có nhiều điều kiện để phát triển, đặc biệt là giao thông vận tải trong đó có vận tải hàng hóa từ Thái Lan qua Việt Nam sang Trung Quốc.
Tôi được biết Chính phủ Việt Nam rất coi trọng việc phát triển hệ thống logistic và tạo thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa. Hiện nay có một lượng lớn hàng hóa Thái Lan quá cảnh qua Việt Nam và xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt là mặt hàng trái cây. Hằng năm, nông dân Thái Lan thường xuất khẩu trái cây từ tỉnh Chanthaburi, như sầu riêng, măng cụt qua Việt Nam và tôi từng tới tham quan cửa khẩu và nhận thấy phía Việt Nam phát triển hạ tầng giao thông rất đồng bộ.
Ngoài ra, chúng ta sẽ trao đổi về lĩnh vực hợp tác đầu tư. Các nhà đầu tư Thái Lan đã vào đầu tư tại Việt Nam rất sớm. Một số doanh nghiệp có mặt tại Việt Nam được 30 năm, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực. Qua việc tiếp xúc với khối doanh nghiệp, tôi nhận thấy các nhà đầu tư đều rất tin tưởng vào tiềm năng và các chính sách hỗ trợ thúc đẩy đầu tư. Họ cho rằng Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hàng đầu của Thái Lan tại nước ngoài. Các nhà đầu tư Thái Lan luôn đứng trong top 10 các nhà đầu tư ngoại tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký lên tới 14 tỷ USD, đa dạng các lĩnh vực, điển hình là các trung tâm thương mại Go của tập đoàn Central Retail, các khu công nghiệp của tập đoàn Amata, WHA.
Cùng với đó, còn có các doanh nghiệp khác như SCG, hiện đang kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như hóa dầu với mức đầu tư rất lớn (có dự án trên 4 tỷ USD), vật liệu xây dựng, bao bì đóng gói v.v…
Về năng lượng cũng có nhiều doanh nghiệp đang vào đầu tư về năng lượng tái tạo, lĩnh vực hỗ trợ đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam. Chúng ta cũng cần trao đổi về các biện pháp tháo gỡ những vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp của Thái Lan. Hy vọng rằng hai bên sẽ tìm được các giải pháp tháo gỡ khó khăn để tạo niềm tin cho các doanh nghiệp khác tiếp tục vào đầu tư.
Về lĩnh vực ngân hàng, Kasikorn là một trong những ngân hàng hàng đầu của Thái Lan, có sự hợp tác phối hợp với phía Việt Nam để thực hiện sáng kiến về đổi mới sáng tạo. Một ngân hàng khác của Thái Lan là Ngân hàng Krungsri cũng quan tâm và đang trong quá trình hoàn thiện quy trình để có thể cung cấp dịch vụ một cách hoàn chỉnh tới khách hàng. Ngoài ra, còn có dịch vụ khách sạn của tập đoàn Thai Beverage đã vào đầu tư tại Việt Nam từ rất lâu cùng các nhà đầu tư khác, trong đó có khách sạn Dusit Thani chuẩn bị khai trương tại Việt Nam.
Về nông nghiệp, tập đoàn CP đầu tư tại Việt Nam từ rất sớm, cung cấp những thực phẩm chất lượng, tiêu chuẩn cao, góp phần đảm bao an ninh lương thực tại Việt Nam. Ngoài ra còn nhiều các doanh nghiệp khác với quy mô đầu tư lớn như Super Anergy, nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng (tổng công suất 3.300 MW). Thủ tướng Paethongthan đã được thông tin và nắm được sự kỳ vọng của khối tư nhân về việc đề xuất Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện, thúc đẩy và có các biện pháp tăng cường lòng tin.
Về mặt giao lưu nhân dân, đối với bà con người Thái gốc Việt, người thân của họ vẫn ở Việt Nam nên có nhu cầu đi lại, thăm hỏi lẫn nhau.Việc đi lại, du lịch giữa hai nước rất thuận lợi. Người Việt có thể ở lại Thái Lan 60 ngày không cần thị thực. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan qua chuyến thăm Việt Nam vừa qua cũng đã trao đổi với phía Việt Nam về vấn đề thúc đẩy du lịch "6 quốc gia, 1 điểm đến". Với số lượng lớn người Thái Lan nói riêng và người dân các nước ASEAN nói chung muốn đến Việt Nam du lịch hoặc thăm người thân, tôi mong rằng Việt Nam có thể phát triển mở rộng các chuyến bay, cũng như các phương tiện di chuyển qua đường bộ hoặc đường thủy giữa các quốc gia ASEAN, nhằm đẩy mạnh du lịch và giao lưu giữa các quốc gia với Việt Nam.
Hơn thế nữa, chúng ta cũng cần thúc đẩy chiến lược "ba kết nối" bao gồm: kết nối chuỗi cung ứng, kết nối kinh tế địa phương và kết nối các chiến lược phát triển bền vững; được cho là sẽ đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước.
Hai nước đều đề ra các chính sách phát triển bền vững, thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế thân thiện với môi trường, phát triển bền vững, làm lợi cho tất cả các ngành. Tôi tin rằng Thủ tướng hai nước cũng sẽ thảo luận về nội dung này.
Chúng ta đã thúc đẩy việc dạy ngôn ngữ của nhau nhằm tăng cường hiểu biết và phục vụ lĩnh vực kinh doanh. Chúng tôi ủng hộ việc dạy tiếng Việt tại Thái Lan và tại Việt Nam, chúng tôi cũng khuyến khích việc dạy và học tiếng Thái Lan. Đây cũng sẽ là một trong các nội dung hai bên trao đổi, bởi trong thời gian vừa qua khối doanh nghiệp Thái Lan luôn có nhu cầu tuyển dụng những sinh viên biết tiếng Thái vào làm việc. Hơn nữa, khi chúng ta kỳ vọng ngày càng đón nhiều khách du lịch Thái Lan đến Việt Nam, việc có những doanh nghiệp trong ngành dịch vụ, du lịch có thể sử dụng được tiếng Thái Lan sẽ đáp ứng được nhu cầu của ngành du lịch với lượng khách Thái Lan sang Việt Nam ngày càng nhiều. Ngoài ra, Việt Nam đang có những bước phát triển lớn về lĩnh vực công nghệ xuất phát từ tầm nhìn của Lãnh đạo Việt Nam khi chú trọng phát triển kinh tế trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn, tự động hóa và hai bên có thể sẽ trao đổi về hợp tác phát triển nguồn nhân lực. Tôi cho rằng đây là những nội dung mới mà hai bên có thể đưa ra thảo luận.
*Phóng viên: Quan hệ hợp tác Việt Nam – Thái Lan đang diễn ra rất sôi động, phong phú, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là kinh tế-thương mại. Trong các cuộc trao đổi, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí đặt ra mục tiêu phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD. Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để đạt được mục tiêu này?
*Đại sứ Urawadee Sriphiromya: Tôi tin rằng không chỉ Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam mà cả Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan đều được giao nhiệm vụ này và chúng tôi đã trao đổi với khối doanh nghiệp và các cơ quan khác như Bộ Thương Mại, Ủy ban Xúc tiến đầu tư Thái Lan để tìm giải pháp nhằm đạt được mục tiêu nêu trên.
Như đã đề cập, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, nhiều thách thức đặt ra như chiến tranh, căng thẳng thương mại giữa các cường quốc khiến mức độ tiêu thụ hàng hóa bị hạn chế. Nhưng dù có những rào cản nêu trên, kim ngạch thương mại Thái Lan - Việt Nam vẫn đạt 20 tỷ USD. Năm vừa qua kim ngạch thương mại tăng 6% so với năm trước với sự nỗ lực cố gắng từ tất cả các bên thông qua các giải pháp về xuất nhập khẩu, tháo gỡ các rào cản, v.v..
Năm nay, tình hình có thêm nhiều yếu tố phức tạp đan xen khiến chúng ta phải làm việc vất vả hơn, tuy nhiên chúng ta vẫn không bi quan. Chúng ta vẫn đang cố gắng thúc đẩy thương mại trong bối cảnh nhiều thách thức. Chúng ta vẫn còn thời gian và có quyền tự hào bởi Thái Lan là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam, là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Do đó, chúng ta vẫn không ngừng nỗ lực để đạt được mục tiêu mong muốn, cùng sự chung tay của các cơ quan, ban ngành và khối tư nhân của cả hai nước.
*Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!