Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, hội nghị do Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam Phùng Phi đồng chủ trì. Tham dự hội nghị, về phía Việt Nam còn có đồng chí Trần Văn Tam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và Thương vụ/Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại một số địa phương của Trung Quốc. Phía Trung Quốc có lãnh đạo một số cơ quan chức năng của tỉnh Hải Nam và đại diện một số hiệp hội, ngành hàng của Trung Quốc. Khoảng 120 công ty, tập đoàn sản xuất, xuất nhập khẩu trong lĩnh vực nông, thủy sản và một số lĩnh vực khác của Việt Nam và Trung Quốc cũng tham dự hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh Trung Quốc nói chung và các địa phương của Trung Quốc nói riêng luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong chính sách phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp của Chính phủ Việt Nam. Với vị thế, vai trò chiến lược của Hải Nam trong thương mại quốc tế, dư địa hợp tác kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh Hải Nam thời gian tới là rất lớn, hứa hẹn sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Tỉnh ủy, chính quyền tỉnh Hải Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan: (1) Hỗ trợ Bộ Công Thương Việt Nam sớm hoàn tất các thủ tục cần thiết để thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại thành phố Hải Khẩu trong năm 2023 nhằm thiết lập cầu nối quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp hai nước trong các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư; (2) Phối hợp ký kết và triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và chính quyền nhân dân tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) nhằm tạo khuôn khổ hợp tác giữa các cơ quan ban, ngành của Hải Nam và Bộ Công Thương Việt Nam, qua đó hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hai bên; (3) Phối hợp tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, đồng thời hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại lớn được tổ chức tại mỗi bên; (4) Thúc đẩy mở cửa thị trường cho trái cây Việt Nam (trước mắt là quả dừa tươi) nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và chế biến tại Hải Nam cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu chính thức dừa tươi vào thị trường Trung Quốc; (5) Thường xuyên chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng của hai bên về các thay đổi trong chính sách thương mại cũng như những khó khăn, vướng mắc phát sinh để kịp thời phối hợp tháo gỡ.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị các doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là doanh nghiệp của tỉnh Hải Nam: Chủ động trao đổi, kết nối thông tin về nhu cầu thị trường và các quy định, chính sách thương mại của mỗi nước thông qua hệ thống các Thương vụ/Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại các địa phương của Trung Quốc như tại Bắc Kinh, Quảng Châu, Nam Ninh, Côn Minh, Trùng Khánh, Hàng Châu, tới đây là Hải Khẩu và Thành Đô; Tích cực tham dự các hội chợ triển lãm quốc tế được tổ chức tại mỗi nước như: Hội chợ quốc tế Hàng tiêu dùng tại Hải Nam, Hội chợ Thực phẩm quốc tế Foodexpo, Hội chợ Thương mại quốc tế Viet Nam Expo... để kết nối trực tiếp, đẩy mạnh các hoạt động giao thương, hợp tác kinh tế, thương mại ổn định, lâu dài, hiệu quả; Tăng cường hợp tác, đồng thời dành ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thiết lập hiện diện, thuê kho ngoại quan tại Hải Nam để phục vụ xuất khẩu hàng hóa theo hình thức thương mại điện tử vào Trung Quốc nhằm tận dụng việc toàn bộ đảo Hải Nam sẽ chính thức trở thành Khu ngoại quan trước năm 2025 và những chính sách ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc đối với hình thức này.
Tại hội nghị, Bộ Công Thương Việt Nam và chính quyền nhân dân tỉnh Hải Nam đã giới thiệu định hướng hợp tác phát triển kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung và với tỉnh Hải Nam nói riêng, đồng thời cũng chia sẻ về các cơ hội và tiềm năng trong hợp tác thương mại, đầu tư trong ngành công thương cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc tham dự hội nghị. Bên cạnh đó, hai bên cũng bố trí chương trình kết nối, giao thương cho doanh nghiệp hai nước để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác phù hợp với nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của từng doanh nghiệp, qua đó đẩy mạnh và tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh Hải Nam.
Thông qua hội nghị, các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc nói chung và tỉnh Hải Nam nói riêng có cơ hội trao đổi, kết nối và đẩy mạnh hợp tác nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu chính ngạch các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc.
Là địa phương có vị trí địa lý rất gần Việt Nam và đang được Chính phủ Trung Quốc quy hoạch, xây dựng là "Cảng thương mại tự do lớn nhất thế giới", tỉnh Hải Nam trong tương lai gần sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong quan hệ thương mại giữa ASEAN - Trung Quốc nói chung và giữa Việt Nam - Trung Quốc nói riêng. Vì vậy, Hội nghị Xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế Việt Nam– Trung Quốc (Hải Nam) là dịp mở ra những cơ hội mới, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc tăng cường hơn nữa giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư trên cơ sở khai thác hiệu quả những lợi thế và tiềm năng của mỗi bên, qua đó góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại Việt-Trung phát triển ổn định, cân bằng và bền vững.
Theo số liệu thống kê của Hải Nam, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh Hải Nam đạt 1,35 tỷ USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Hải Nam sang Việt Nam đạt 695,2 triệu USD, tăng 171,9%; kim ngạch nhập khẩu của tỉnh Hải Nam từ Việt Nam đạt 658 triệu USD, tăng 7,5%, các mặt hàng chủ yếu bao gồm gỗ và sản phẩm từ gỗ, kim loại, khoáng sản... Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 8 của tỉnh Hải Nam năm 2022./.