Tin tức

Việt Nam trong Hội đồng Bảo an: Đối tác vì một nền hòa bình bền vững

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Sáng 2/4, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao Việt Nam (Bộ Ngoại giao) phối hợp Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) của Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức Hội thảo với chủ đề "Việt Nam trong Hội đồng Bảo an: Đối tác vì một nền hòa bình bền vững".

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh, Việt Nam lần đầu tiên tham gia đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Điều này xuất phát từ mong muốn trở thành thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, cũng như nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, qua hơn 30 năm đổi mới, vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế hiện nay ngày càng được khẳng định. Trong lĩnh vực hòa bình và an ninh quốc tế, Việt Nam đã có nhiều đóng góp thiết thực, tham gia chủ động, tích cực vào các cơ chế đa phương về giải trừ quân bị, không biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là một trong 10 quốc gia đầu tiên phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân.

Từ năm 2014, Việt Nam đã đóng góp lực lượng cho Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an lần thứ hai tiếp tục khẳng định chủ trương của Việt Nam là trở thành thành viên tích cực, đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đồng thời là cơ hội để Việt Nam có thể đóng góp xây dựng tại cơ chế có tầm quan trọng chiến lược đối với hòa bình, an ninh quốc tế này, góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Peter Girke, Đại diện Quỹ KAS thường trú tại Việt Nam cho biết: Tháng 6/2019 tới, Việt Nam sẽ tham gia vào quá trình bầu cử làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Hội thảo lần này là cơ hội để các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách cùng bàn luận Việt Nam sẽ làm được gì và cần phải làm gì để tạo sự khác biệt trong Hội đồng Bảo an. Theo ông Peter Girke, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong quá trình hội nhập quốc tế như vị thế tại các cơ chế đa phương ASEAN, APEC. Nhiều sự kiện quốc tế được tổ chức tại Việt Nam. Việt Nam có thể chế kinh tế thị trường hội nhập được với hệ thống kinh tế quốc tế. Việt Nam cũng đã thể hiện được những kết quả kinh tế ấn tượng trong thời gian qua. Đông Nam Á là khu vực có nhiều xung đột tiềm ẩn liên quan tới nhiều vấn đề như kinh tế, an ninh như vấn đề Biển Đông, Malacca, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Khi trở thành Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ gánh nhiều trách nhiệm quốc tế nặng nề trong việc ngăn ngừa, giải quyết xung đột chung trên khu vực, thế giới cũng như khâu quản lý hậu xung đột.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham dự ba phiên thảo luận: Hội đồng Bảo an và chương trình nghị sự 2020-2021; Hội đồng Bảo an và vai trò của các tổ chức khu vực trong ngăn ngừa xung đột; Hội đồng Bảo an và vấn đề giải quyết hậu quả xung đột./.

TTXVN/VNP

Về Lại Đà - Nơi bình dị yêu thương

Về Lại Đà - Nơi bình dị yêu thương!

“Tôi đã khóc, không chỉ là nỗi tiếc thương trước sự mất mát của đất nước, của dân tộc Việt Nam, mà còn là những giọt nước mắt hạnh phúc trước tình cảm sâu đậm của người dân thôn Lại Đà dành cho chúng tôi. Họ đã thay mặt người con ưu tú vừa nằm xuống đáp lại tình cảm của những người dân về đây dự lễ viếng”, chị Lương Ngọc Hà, dân tộc Tày, ở tỉnh Lào Cai rưng rưng cho biết.

Top