Tại phiên họp thứ 6, các nước thành viên CPTPP đã hoan nghênh việc Malaysia phê chuẩn văn kiện. Điều này giúp thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn và tăng cường các lợi ích của các thành viên CPTPP. Hiệp định sẽ có hiệu lực đối với Malaysia bắt đầu từ ngày 29/11/2022.
Các thành viên CPTPP đã thông qua một Bộ hướng dẫn không ràng buộc cho Các thỏa thuận Công nhận Lẫn nhau (MRA) hay Các Thỏa thuận về Dịch vụ Chuyên môn (APS). Bộ hướng dẫn này sẽ giúp tăng cường tính minh bạch và kiên định của các MRA mà các thành viên CPTPP đàm phán với nhau và giúp tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện cho thương mại trong lĩnh vực dịch vụ chuyên môn.
Các bộ trưởng và quan chức cao cấp 11 nước thành viên CPTPP cũng thảo luận về các khía cạnh hợp tác mới, đang nổi lên trong lĩnh vực nền kinh tế xanh và kinh tế số. Về kinh tế số, các thành viên CPTPP thảo luận về thúc đẩy thương mại số, các công nghệ đang nổi lên và dữ liệu. Về kinh tế xanh, các thành viên CPTPP sẽ gia tăng nỗ lực để phát triển các sáng kiến mới thúc đẩy thương mại và đầu tư về hàng hóa và dịch vụ môi trường, công nghệ.
Về việc kết nạp thành viên mới, Tuyên bố chung cho biết các thành viên CPTPP hoan nghênh các tiến bộ trong các cuộc thảo luận đang tiếp diễn về tiến trình gia nhập của Anh, khẳng định các tiêu chuẩn cao của CPTPP sẽ được áp dụng trong tiến trình này. Tiến trình xem xét, đàm phán gia nhập của Anh sẽ là tiền đề để áp dụng cho việc kết nạp các thành viên mới vào CPTPP trong tương lai.
CPTPP là hiệp định thương mại tự do được ký kết giữa 11 nền kinh tế, chiếm hơn 13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Việt Nam. Singapore đã tiếp nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng CPTPP năm 2022 từ Nhật Bản tại phiên họp năm ngoái. Chủ tịch Hội đồng CPTPP năm 2023 sẽ là New Zealand./.