Tin tức

Việt Nam tham dự lễ hội cà phê - trà và nông sản cao nguyên Bolaven 2023 (Lào)

Trong các ngày từ 2-4/2 tại tỉnh Champasak, Nam Lào diễn ra Lễ hội cà phê – trà và nông sản khu vực cao nguyên Bolaven 2023 với sự tham dự của các doanh nghiệp và nông hộ trồng cà phê đến từ Lào, Việt Nam, Campuchia và Thái Lan do Hiệp hội các hợp tác xã cà phê Lào phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức. Đây không chỉ là dịp để các hợp tác xã, doanh nghiệp trồng cà phê ở Nam Lào đẩy mạnh quảng bá sản phẩm cà phê hữu cơ đến với các bạn bè quốc tế mà còn là dịp để các doanh nghiệp cà phê Việt Nam tìm hiểu thị trường Lào.
  Lễ hội thu hút được nhiều doanh nghiệp và người dân tới tham quan và thưởng thức cà phê. Ảnh: Phạm Kiên - Phóng viên TTXVN tại Lào
Triển lãm gồm 50 gian hàng trưng bày các sản phẩm cà phê, trà, các sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ của các doanh nghiệp đến từ Lào - Việt Nam và Thái Lan, trong đó có 3 gian hàng trưng bày các sản phẩm cà phê của các doanh nghiệp đến từ 3 tỉnh, thành phố của Việt Nam gồm Đà Nẵng, Đắk Lắk và Bình Phước . 
   Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Lào, ông Trần Quốc Danh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Danh An Phát cho biết ông từng sang Lào nhiều lần để quảng bá các sản phẩm cà phê của công ty và tiếp cận thị trường cà phê ở Lào, các doanh nghiệp Việt nên lưu ý tới sở thích sử dụng sản phẩm này, đặc biệt là ca phê hòa tan, của người dân Lào.
   Trong khi đó, theo Hiệp hội sản xuất cà phê Lào, hầu hết các sản phẩm cà phê được mang đến lễ hội đều là cà phê hữu cơ, một trong những sản phẩm có thế mạnh của người trồng cà phê ở khu vực Cao nguyên Bolaven, Nam Lào.
   Bà Bounheuang Carol Litdang, Chủ tịch Hiệp hội Hợp tác xã cà phê Lào nêu rõ: “Việc phát triển cà phê hữu cơ không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày một cao của thị trường về loại cà phê này, mà còn giúp chúng tôi xuất khẩu được cà phê với giá cao. Trong 10 nước ASEAN chỉ có 4 nước trồng cà phê, trong đó có Lào. Để tạo ra thế mạnh và tính cạnh tranh, chúng tôi chọn phát triển cà phê hữu cơ”.
   Theo hiệp hội trên, hiện ở 4 tỉnh Nam Lào có gần 40.000 hộ đang sản xuất cà phê với tổng diện tích vùng trồng cây cà phê lên tới 80.000 ha. Không chỉ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các hợp tác xã, các hộ gia đình ở các tỉnh Nam Lào cũng đã chuyển hướng sang trồng cà phê hữu cơ bởi dù sản lượng không cao, nhưng loại cà phê này lại có giá bán cao hơn, đồng thời giúp bảo vệ môi trường.
   Bà Menou Saliththirath ở huyện Thateng, tỉnh Xekong, Nam Lào chia sẻ: “Chúng tôi sản xuất cà phê hữu cơ vì chất lượng. Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm, chú trọng tới vấn đề sức khỏe, việc sản xuất cà phê hữu cơ vừa đem lại sức khỏe cho con người, vừa đảm bảo vấn đề môi trường bền vững”. 
   Hiện nay, cà phê Lào đã được xuất khẩu đến hơn 21 quốc gia. Trong năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu hạt cà phê của Hiệp hội Hợp tác xã cà phê Lào đạt khoảng 22.000 tấn với tổng giá trị trên 67 triệu USD. 
   Với điều kiện thuận lợi về khí khậu, thổ nhưỡng, chính quyền tỉnh Champasak xác định cà phê hữu cơ sẽ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh trong thời gian tới và đạt mục tiêu sẽ nâng 30% giá trị xuất khẩu cà phê của tỉnh trong năm 2023.  Không chỉ riêng địa phương này, Chính phủ Lào cũng coi cà phê là một trong những cây trồng ưu tiên để xuất khẩu và nước này cũng đặt mục tiêu trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu lớn các sản phẩm cà phê hữu cơ trong tương lai.../.

Báo ảnh Việt Nam/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Trăn trở, day dứt, cảm thấy có lỗi khi có những người có công đời sống còn khó khăn

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Trăn trở, day dứt, cảm thấy có lỗi khi có những người có công đời sống còn khó khăn

Hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), sáng 17/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự gặp mặt, tri ân Chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với tỉnh Điện Biên tổ chức.

Top