Theo thống kê, Tổng kim ngạch trao đổi thương mại Việt Nam - Macau (Trung Quốc) trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt 250,3 triệu USD, tăng 330% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Macau đạt 239 triệu USD, tăng 379,5%; Việt Nam nhập khẩu từ Macau đạt 11,2 triệu USD, tăng 34,5%. Về đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2023, Macau có một đợt góp vốn mua cổ phần tại Việt Nam với tổng giá trị 27,9 triệu USD. Lũy kế từ năm 1988 đến nay, Macau đã có 18 dự án FDI tại Việt Nam với tổng mức 193,5 triệu USD.
Là sự kiện kinh tế và thương mại quốc tế có ảnh hưởng nhất trong năm của Macau, MIF đã tích cực xây dựng nền tảng hợp tác và giao lưu kinh doanh cho các đơn vị tham gia triển lãm cũng như thương nhân trong nhiều năm qua. Thông qua một loạt các hoạt động như triển lãm, hội nghị và diễn đàn, các buổi kết nối kinh doanh theo chủ đề, MIF đã tạo điều kiện kết nối với các nguồn lực quốc tế và khám phá các cơ hội kinh doanh cho tất cả các bên tham gia.
Vì MIF hội tụ rất nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới trong nhiều lĩnh vực nên đây cũng là một kênh để doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu cũng như tìm kiếm đối tác để mở rộng thị trường.
MIF có tổng diện tích 37.000 m2 với khoảng 1.200 công ty và tổ chức tham gia, trong đó có khoảng 430 đơn vị triển lãm Macau và khoảng 770 đơn vị đến từ 14 quốc gia và khu vực, bao gồm Trung Quốc đại lục, 9 quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha, Thái Lan, Nhật Bản... với các ngành bao gồm y tế, công nghệ cao mới, tài chính hiện đại, sáng tạo văn hóa, du lịch, thương mại và bán lẻ, sản xuất thực phẩm, thương mại điện tử xuyên biên giới, năng lượng bảo tồn và bảo vệ môi trường...Bốn nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines đã cử đoàn tham dự MIF lần thứ 28 năm nay.
Hội chợ Thương mại và Đầu tư quốc tế nói trên bắt đầu được tổ chức vào năm 1996 tại Macau, hiện đã trở thành một trụ cột quan trọng thúc đẩy kinh tế của Đặc khu này. Hội chợ diễn ra từ ngày 19-22/10./.