Tin tức

Việt Nam đóng góp tích cực vì hợp tác, phát triển tiểu vùng Mekong

Hội nghị Bộ trưởng Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 22 (GMS-22) tại Hà Nội. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Từ ngày 29-31/3, Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) lần thứ 10 tại Hà Nội.

Chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng được khởi xướng năm 1992 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Các nước thành viên gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc (với 2 tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây). Tiểu vùng Mekong mở rộng là một khu vực được gắn kết với nhau bởi dòng sông Mekong, có diện tích 2,6 triệu km2 và dân số khoảng 340 triệu người. Hợp tác kinh tế được đánh giá là cơ chế hợp tác có hiệu quả hàng đầu trong các cơ chế hợp tác tại tiểu vùng Mekong. 

Việt Nam đã tham gia tích cực và đóng góp vào hầu hết các sáng kiến hợp tác của GMS. Tính đến tháng 12/2017, các dự án hợp tác trong GMS tại Việt Nam có quy mô đạt khoảng 6 tỷ USD, chiếm khoảng 30% tổng số khoản vay/trợ cấp của GMS. Lĩnh vực giao thông chiếm 87%; phát triển đô thị 7,9%; y tế và bảo trợ xã hội 2,7%; nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên 3,7%; công nghiệp và thương mại 0,4%; thuận lợi hóa thương mại và vận tải 0,2%. 

Về hợp tác giao thông vận tải, Việt Nam là mắt xích quan trọng trong việc hình thành các hành lang kinh tế GMS và đã tham gia vào 3 tuyến hành lang kinh tế chính là: Bắc-Nam, Đông-Tây và hành lang ven biển phía Nam. Việc kết nối các tuyến hành lang qua lãnh thổ Việt Nam giúp Việt Nam tối đa hoá các lợi ích kinh tế thu được từ kết nối giao thông, tăng cường thương mại và đầu tư trong các vùng dọc theo các hành lang kinh tế. 

Từ năm 2012, Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành cấp phép cho các phương tiện của nhau dọc tuyến Côn Minh-Hà Nội-Hải Phòng và Hà Nội-Nam Ninh-Thâm Quyến. Trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, Việt Nam, Thái Lan và Lào đã ký Bản ghi nhớ mở rộng tuyến đường nối tới thủ đô của ba nước và hai cảng biển lớn là Laem Chabang và Hải Phòng.

Trong lĩnh vực điện năng, Việt Nam tham gia ký kết và thực hiện Kế hoạch Tổng thể Khu vực về liên kết điện năng trong GMS. Hợp tác phát triển năng lượng GMS giúp Việt Nam xác định, chuẩn bị và đầu tư cho các sáng kiến ưu tiên nhằm thúc đẩy thương mại điện năng, cũng như thiết lập các thể chế theo định hướng đảm bảo an ninh năng lượng trong tiểu vùng Mekong mở rộng. 

Về hợp tác phát triển nguồn nhân lực (y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề và di cư), các nước GMS coi việc kiểm soát các bệnh dịch truyền nhiễm xuyên biên giới như SARS, cúm gia cầm, HIV/AIDS và các bệnh dịch khác như bại liệt, sốt rét và lao là một trong những ưu tiên hàng đầu của hợp tác y tế. Việt Nam tham gia dự án Hỗ trợ kỹ thuật của ADB cho các nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

Trong lĩnh vực môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam tham gia Chương trình Môi trường trọng điểm với mục tiêu giải quyết các vấn đề môi trường trong quá trình phát triển kinh tế tiểu vùng. Từ năm 2014, hợp tác GMS cũng triển khai sáng kiến vận tải xanh, với các dự án thí điểm ở Lào, Thái Lan và Việt Nam nhằm nghiên cứu việc hạn chế lượng khí thải carbon từ hoạt động vận tải. ADB cũng hỗ trợ việc thiết lập hành lang đa dạng sinh học qua biên giới giữa tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc)...

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của GMS, hợp tác nông nghiệp, du lịch, viễn thông mang lại những hiệu quả thiết thực./.

TTXVN/VNP


Top