Nhắc tới Việt Nam, Tổng thư ký Rebeca Grynspan cho biết bà rất ấn tượng trước những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Bà nhấn mạnh: “Việt Nam đã trở thành hình mẫu về những gì một quốc gia còn kém phát triển thành một quốc gia cải thiện phúc lợi và phát triển vì người dân. Vâng, vì vậy, tôi muốn nói rằng, chúng ta có thể đánh giá Việt Nam từ một số góc độ. Đầu tiên, có lẽ là giáo dục, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ người biết chữ cao nhất. Các bạn thực sự đã làm rất tốt và các bạn sẽ phải tiếp tục duy trì quá trình này. Thứ hai, Việt Nam cũng là một ví dụ về hậu cần và các cảng biển. Hậu cần rất quan trọng đối với thành công của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, những thách thức mới cũng sẽ đòi hỏi phải cải thiện dịch vụ hậu cần và cảng. Thứ ba, tôi sẽ nói tới đổi mới. Đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ sẽ tiếp tục là một yếu tố quan trọng đối với Việt Nam, mang lại thành công cho tương lai”.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn hướng tới những cam kết mạnh mẽ trong các cơ chế hợp tác đa phương. Điều này được thể hiện rõ qua các chuyến công du nước ngoài của giới lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Dự kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự WEF tại Davos. Đây là lần thứ hai liên tiếp Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự hội nghị này. Và theo Tổng Thư ký Rebeca Grynspan, việc lãnh đạo Việt Nam tham dự trực tiếp sự kiện ở Davos có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bà nói: “Sẽ có rất đông người tham dự sự kiện ở Davos, bởi họ rất háo hức muốn tìm hiểu về Việt Nam, nên đó cũng là cơ hội để giới thiệu về những gì mà các bạn đã đạt được và mô hình Việt Nam lựa chọn, cũng như lý do tại sao Việt Nam có thể thành công như vậy. Tôi đánh giá hội nghị WEF tại Davos là nơi rất tốt để giới thiệu về Việt Nam”./.