![]()
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Thông tấn xã Việt Nam. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
|
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Võ Văn Phuông, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc TTXVN; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố phía Nam; các đồng chí lãnh đạo TTXVN qua các thời kỳ, đại diện thân nhân gia đình các liệt sỹ... tham dự buổi lễ trang trọng này.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, thực hiện nghi lễ trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân phong tặng Thông tấn xã Giải phóng.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã chuyển lời của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi tới đại biểu, các đồng chí cựu phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên, nhân viên Thông tấn xã Giải phóng và thân nhân, gia đình những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân sự kiện có ý nghĩa đặc biệt này.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao sự cống hiến, hy sinh của những người làm báo - chiến sỹ Thông tấn xã Giải phóng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Ngày 12/10/1960, Thông tấn xã Giải phóng - cơ quan thông tấn tuy “hai mà một, tuy một mà hai” với Việt Nam Thông tấn xã trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã chính thức ra đời. Trong suốt 15 năm chống Mỹ ác liệt từ năm 1960 đến 1975, mặc dù gặp khó khăn về nhiều mặt, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật thiếu thốn, nhất là phải thay đổi trụ sở hàng chục lần do bị Mỹ - Ngụy tấn công, nhưng Thông tấn xã Giải phóng đã kiên quyết bám trụ, không ngừng phát triển cả về lực lượng và tổ chức, duy trì “mạch máu” thông tin liên tục, thông suốt, với khẩu hiệu "Làn sóng điện không bao giờ tắt" như một mệnh lệnh.
Gửi lời tri ân với các cựu cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên, cùng gia đình các thương binh, liệt sỹ Thông tấn xã Giải phóng, Phó Chủ tịch nước khẳng định, với những thành tích và sự hy sinh lớn lao đó, Thông tấn xã Giải phóng đã được Trung ương Cục miền Nam khen tặng 16 chữ vàng “Cần cù dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”; tập thể cơ quan và nhiều cá nhân đã được khen thưởng về những thành tích tiêu biểu trong kháng chiến, như Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Huân chương Thành đồng hạng Nhì, Huân chương Độc lập, Huân chương kháng chiến chống Mỹ các hạng... Và hôm nay, Thông tấn xã Giải phóng lại vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - phần thưởng cao quý, thể hiện sự ghi nhận, trân trọng của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp, thành tích đặc biệt xuất sắc của Thông tấn xã Giải phóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Bày tỏ sự tin tưởng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, tiếp bước truyền thống vẻ vang và tự hào của Thông tấn xã Giải phóng nói riêng và Thông tấn xã các khu vực nói chung, TTXVN ngày nay - cơ quan thông tin chiến lược, tin cậy của Đảng và Nhà nước, đã ngày càng phát triển lớn mạnh, không chỉ trong nước mà còn hội nhập sâu rộng và hợp tác với nhiều tổ chức báo chí lớn trên thế giới. Phó Chủ tịch nước chúc TTXVN tiếp tục phát huy truyền thống Anh hùng, ra sức thi đua, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, xứng đáng với sự nghiệp vẻ vang mà các bác, các cô chú, các anh chị đã vun đắp bằng lòng yêu nước, bằng trí tuệ, tâm huyết của những người làm báo cách mạng.
Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh, trong hơn 15 năm hoạt động, từ những năm tháng ác liệt của chiến tranh tới ngày đất nước hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối, Thông tấn xã Giải phóng đã trở thành chứng nhân cho một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc: từ việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đến lễ công bố danh sách Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến, không một chiến trường, không một hướng tiến quân, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt những người làm báo - chiến sỹ ngành thông tấn. Để có những dòng tin chiến sự nóng bỏng, những bức ảnh có sức cổ vũ tinh thần chiến đấu, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, lên án cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, các phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng đã trực tiếp chiến đấu và cũng chịu hy sinh như những người lính. Hơn 240 phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường. Thông tấn xã Giải phóng là cơ quan báo chí có số lượng nhà báo hy sinh nhiều nhất trong lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Nhân dịp này, TTXVN đã tổ chức Trưng bày ảnh “Thông tấn xã Giải phóng anh hùng” - giới thiệu hình ảnh tiêu biểu về những đóng góp to lớn, thành tích đặc biệt xuất sắc của Thông tấn xã Giải phóng và Việt Nam Thông tấn xã trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Đồng thời, Nhà xuất bản Thông tấn cũng đã ra mắt cuốn sách “Thông tấn xã Giải phóng Anh hùng”, với hơn 260 trang sách tập hợp thông tin, những bài viết, bức ảnh của các phóng viên từng tham gia chiến trường, có mặt trong những giờ phút lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là món quà đầy ý nghĩa của thế hệ những người “thông tấn” hôm nay tri ân thế hệ đi trước./.
TTXVN/VNP