*Nhiều ý kiến tâm huyết, thể hiện trách nhiệm của cử tri
Tại cuộc tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã thông báo kết quả nội dung Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Cử tri khẳng định, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, có sự đổi mới sáng tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn. Với tinh thần làm việc nghiêm túc, dân chủ, hiệu quả và trách nhiệm cao, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước có tính chiến lược lâu dài, làm nền tảng chính trị quan trọng cho việc vận hành của Chính phủ, hoạt động của các bộ, ngành và địa phương.
Cử tri nhận thấy, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng có chất lượng. Những câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội thẳng thắn, cụ thể, tập trung vào những nội dung mà người dân quan tâm. Các Bộ trưởng trả lời chất vấn đều thẳng thắn, ngắn gọn, trả lời đúng trọng tâm, làm rõ được những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, đưa ra được các giải pháp thiết thực, hiệu qủa và có tính khả thi cao.
Cử tri bày tỏ, trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 mặc dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biễn phức tạp nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội và điều hành của Chính phủ đã có nhiều quyết sách quan trọng thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, vui mừng phấn khởi với kết quả quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, nói đi đôi với làm, thật sự không có ngoại lệ, không có vùng cấm, trở thành xu thế không thể đảo ngược, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng. Cử tri đề nghị tiếp tục tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các vụ án lớn, các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, thận trọng trong công tác xây dựng pháp luật nhằm ngăn chặn lợi ích nhóm, ngăn các kẽ hở của luật pháp, chính sách mà các cá nhân, tập thể có thể lợi dụng trục lợi.
Cử tri và nhân dân đồng tình, đánh giá cao việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là việc làm cần thiết, phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Cử tri mong muốn Quốc hội sẽ sửa đổi Luật Đất đai theo hướng lấy người dân làm trung tâm, quan tâm phát triển đồng đều các quỹ đất cho văn hóa, giáo dục, quốc phòng bên cạnh quỹ đất phát triển kinh tế; các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải theo hướng công bằng, minh bạch; có quy định cụ thể giải quyết dứt điểm các dự án treo, dự án chậm, muộn, quy định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra vấn đề này.
Cử tri kiến nghị tiếp tục có chính sách định hướng nghề nghiệp và nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Bên cạnh đó, cử tri mong muốn cần quan tâm quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khắc phục tình trạng thiếu trường công lập, thiếu thiết bị học tập hiện đại, thiếu bộ sách giáo khoa chất lượng, thiếu thầy cô giáo... Liên quan đến vấn đề điện, cắt điện, tăng giá điện, cử tri cho rằng, cần phải kiểm tra, xem xét vai trò độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nhìn chung dư luận chưa đồng tình về thời điểm tăng giá điện, bởi vào mùa nắng nóng gay gắt, nhu cầu sử dụng điện của người dân rất cao.
Để hoạt động giám sát đạt chất lượng, hiệu quả, cử tri cho rằng, cần tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc như: Các chương trình, dự án, chính sách ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đa số nhân dân, các vấn đề liên quan đến quản lý tài chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính, ô nhiễm môi trường…; nghiên cứu mở rộng các hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo lĩnh vực…
Về công tác xây dựng hệ thống luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật, cử tri kiến nghị, cần loại bỏ sự chồng chéo, bảo đảm thực hiện cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quy định chế độ trách nhiệm, chế tài xử lý vi phạm đối với cá nhân, tổ chức trong công tác xây dựng pháp luật; có chế tài xử lý cụ thể theo từng mức độ, hậu quả do việc ban hành, tham mưu ban hành văn bản sai hoặc không phù hợp, đặc biệt xử lý nghiêm đối với người đứng đầu. Cơ quan tham mưu soạn thảo văn bản Luật cần tăng cường công tác khảo sát nắm tình hình thực tế ở các địa phương và các ngành có liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật…
*Phát huy truyền thống văn hiến và anh hùng
Sau khi nghe các vấn đề cử tri nêu, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã trân trọng tiếp thu các ý kiến tâm huyết, cụ thể, đề cập nhiều vấn đề, thiết thực, thể hiện trách nhiệm của cử tri, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Các ý kiến được ghi nhận đầy đủ để tổng hợp báo cáo Quốc hội và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trả lời cử tri.
Tại cuộc tiếp xúc, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã trao đổi, thông tin về một số nội dung mà cử tri kiến nghị liên quan đến thẩm quyền của thành phố Hà Nội.
Với tư cách là thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao các ý kiến cử tri đã phát biểu ngắn gọn, đề cập trúng các vấn đề, đúng với thực tiễn.
Trao đổi với đông đảo cử tri 3 quận, Tổng Bí thư nhắc lại, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất do nhân dân bầu ra, thực hiện quyền lực của nhân dân. Quốc hội thực hiện các chức năng, xây dựng luật pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ, Hà Nội là Thủ đô, mà Thủ đô chỉ có một. Hà Nội là Thủ đô - trái tim của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Người Hà Nội cần phải phát huy truyền thống văn hiến và anh hùng, hào hoa, thanh lịch, cùng những giá trị cao quý rất đáng tự hào được tôn vinh như “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”. Tổng Bí thư mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội cố gắng phát huy theo tinh thần đó, đóng góp nhiều cho Trung ương, trước hết là phát triển Thủ đô.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố phải xứng đáng là “Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội”, phải có văn hóa, trình độ, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, tích cực thực hiện chức năng, nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, cái gì phải thì nhất quyết bảo vệ; cái gì không đúng phải phản đối, phê bình, nếu cần phải đấu tranh không nhân nhượng./.