Tin tức

Tình hình dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát nhưng phải vào cuộc quyết liệt hơn


Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Đến nay, tình hình dịch bệnh còn phức tạp nhưng cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, khác với ba đợt dịch trước, đợt dịch lần này có từ cả "bên trong và bên ngoài", trong khi đó, áp lực từ biên giới Tây Nam lớn, biến thể virus mới từ Ấn Độ lây lan nhanh hơn, nặng hơn... Vì thế chúng ta phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo chiều 4/5, tại Trụ sở Chính phủ.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, liên quan đến những ca bệnh ghi nhận trong nước trong 5 ngày gần đây, đặc biệt chùm ca bệnh tại Hà Nam và Vĩnh Phúc, Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ liên tục họp, ban hành văn bản, ý kiến chỉ đạo thực hiện chặt chẽ đến các đơn vị.

Tại các cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tất cả các tỉnh, thành phố quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cũng như mỗi cá nhân; không chủ quan, lơ là nhưng không quá hoang mang vì tình hình dịch đang được kiểm soát. Nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong thời gian tới, tất cả địa phương phải tăng cường triển khai thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo cũng như các hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan. 

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh kịch bản trong tình huống dịch bệnh lan rộng ra bởi nguy cơ lây nhiễm hiện ở mức độ rất cao. Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ về kịch bản khi có trên 30.000 người mắc COVID-19; phương án chuẩn bị năng lực xét nghiệm, cách ly, điều trị với các cơ sở y tế.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tiếp tục phương châm 5K + vaccine trong kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt thực hiện nghiêm, bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và đến nơi công cộng. Về vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán để có vaccine; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện, sớm chuyển giao công nghệ về Việt Nam để sản xuất vaccine phục vụ người dân.

Tại cuộc họp, các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo phân tích một số trường hợp mắc COVID-19 sau khi hoàn thành cách ly tập trung và lây nhiễm cho cộng đồng; thảo luận về việc thực hiện các quy định cách ly tập trung, theo dõi, giám sát y tế tại nhà. Các ý kiến cho rằng, một số cơ sở cách ly tập trung chưa thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt trong xử lý khi phát hiện trường hợp cách ly mắc COVID-19. Trong khi đó, công tác bàn giao, tiếp nhận người hoàn thành thời gian cách ly tập trung, theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú ở nhiều nơi còn lỏng lẻo, chưa thực hiện nghiêm.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam hoan nghênh các thành viên Ban Chỉ đạo, lực lượng các cấp, các địa phương trong những ngày qua đã bước vào “trận chiến” căng thẳng; kiên trì nguyên tắc khi phát hiện ra các ca mắc mới, thần tốc truy vết, cách ly, khoanh vùng.

"Đến nay, tình hình dịch bệnh còn phức tạp nhưng cơ bản vẫn đang kiểm soát", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng nêu rõ, khác với ba đợt dịch trước, đợt dịch lần này có từ cả "bên trong và bên ngoài", trong khi đó, áp lực từ biên giới Tây Nam lớn, biến thể virus mới từ Ấn Độ lây lan nhanh hơn, nặng hơn. "Vì thế chúng ta phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhắc lại yêu cầu chuẩn bị cho tình huống có 30.000 người mắc COVID-19 trong phiên họp Ban Chỉ đạo trước, Phó Thủ tướng khẳng định: “Không phải chúng ta dự báo sẽ có 30.000 người mắc COVID-19 mà tính đến trường hợp này để sẵn sàng chuẩn bị, đồng thời phấn đấu không bao giờ xảy ra tình huống đó”, Phó Thủ tướng nói.

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt, cá nhân hóa trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc. Qua báo cáo rà soát của các cơ quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo, từ 0 giờ ngày 4/5, tạm thời chưa giải quyết kết thúc và cho ra khỏi khu cách ly tập trung (cả quân đội, dân sự quản lý) đối với tất cả trường hợp đủ điều kiện hết cách ly (tối thiểu 14 ngày, xét nghiệm 2 lần âm tính).

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quy định, hướng dẫn, văn bản đã đầy đủ, tuy nhiên các địa phương, trung tâm cách ly tập trung phải thực hiện nghiêm túc. "Tuyệt đối không được để tình trạng trong thời gian theo dõi, giám sát y tế sau cách ly mà lại tiếp tục đi tụ tập đông người, ăn uống, đến những nơi công cộng, không giữ nguyên tắc phòng dịch, để lây lan ra cộng đồng cực kỳ nguy hiểm", Phó Thủ tướng cho biết.

Phó Thủ tướng đề nghị tăng cường giám sát dịch bệnh trong cộng đồng, trong đó, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ huy động lực lượng giám sát của cộng đồng; qua thông tin báo chí, sự giám sát của nhân dân để cung cấp thông tin cho Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ về những nơi phòng, chống dịch tốt và chưa tốt. “Khi chưa có dịch, tuyệt đối không được lơ là. Đến nay, dịch bệnh xuất hiện phải rất bình tĩnh, thực hiện khoanh vùng, dập dịch sớm nhất”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhắc lại nhiệm vụ ngăn chặn người nhập cảnh trái phép qua biên giới trong phiên họp Ban Chỉ đạo trước, Phó Thủ tướng lưu ý nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm trong nước từ người nhập cảnh hợp pháp (do công tác cách ly tập trung và quản lý y tế sau cách ly không tốt) và từ những người nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới.

"Chúng ta hết sức nâng cao cảnh giác, nếu để dịch bệnh xuất hiện trong nước lẫn xâm nhập từ bên ngoài thì rất phức tạp", Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi bộ đội biên phòng, chính quyền, đoàn thể tất cả các tỉnh biên giới tiếp tục tăng cường kêu gọi nhân dân, tiếp tục cùng với chính quyền quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, không để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép, gây họa cho cộng đồng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 4/5, thế giới ghi nhận trên 153 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có trên 3,2 triệu ca tử vong. Riêng tháng 4/2021, Ấn Độ ghi nhận trên 7 triệu ca mắc mới. Tại Đông Nam Á, trong tuần qua, các quốc gia như Campuchia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia có số ca nhiễm mới cao từ hàng trăm đến hàng nghìn ca/ngày. 3 nước Thái Lan, Campuchia và Lào, số ca nhiễm mới có xu hướng giảm nhưng không ổn định.

Tại Việt Nam, tính đến đến 18 giờ ngày 4/5, Việt Nam đã có tổng cộng 2.996 ca mắc COVID-19, trong đó 1.608 ca mắc do lây nhiễm trong nước, 38 ca mắc mới tính từ ngày ngày 27/4 đến nay./.

TTXVN/VNP


Top