Tin tức

Thực hiện mô hình kè sinh thái chống sạt lở trên địa bàn Hậu Giang

Đoạn Quốc lộ 91 qua địa bàn ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ bị sạt lở từ ngày 1/8 hiện đang có dấu hiệu sạt lở tiếp, nguy cơ sập hoàn toàn. Ảnh: Công Mạo - TTXVN
Chiều 19/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang có buổi làm việc về đánh giá hiệu quả của mô hình kè sinh thái chống sạt lở đang thực hiện tại một số địa phương trong tỉnh.

Tại buổi làm việc, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đánh giá, qua thời gian thực hiện, tiến hành khảo sát cho thấy mô hình kè sinh thái chống sạt lở rất phù hợp với một số địa phương như huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp, Vị Thủy, thị xã Ngã Bảy.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thảo luận với Ban chủ nhiệm đề tài "Giải pháp chống sạt lở bờ sông, kênh bằng kè mềm sinh thái trên địa bàn tỉnh Hậu Giang" tổ chức hội thảo, trên cơ sở đó khẳng định hiệu quả của mô hình kè sinh thái; phối hợp Sở Giao thông Vận tải lồng ghép việc trồng kè sinh thái vào chiến dịch giao thông - thủy lợi; tham mưu, đề xuất dự án kè sinh thái mẫu nhằm kêu gọi nguồn vốn thực hiện từ các tổ chức phi chính phủ. Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện dự án từ nguồn quỹ phòng chống thiên tai; kêu gọi xã hội hóa việc thực hiện kè từ người dân theo quan điểm Nhà nước chỉ hỗ trợ những gì người dân không làm được.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên lưu ý, Chi cục Thủy lợi phối hợp với địa phương, kết hợp nhiều nguồn lực để thực hiện mô hình; địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện kè sinh thái nhằm tăng hiệu quả mô hình.

Mô hình kè sinh thái chống sạt lở do ông Trần Thanh Toàn (Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang) nghiên cứu và đang được áp dụng tại các tuyến sông trên địa bàn huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy.

Mô hình kè sinh thái chống sạt lở được thực hiện bằng cách gia cố cừ tràm, tre (vật liệu địa phương) tại vị trí sạt lở, sử dụng vải địa kỹ thuật, lưới cước nhằm giữ phù sa, chắn sóng tàu. Sau đó, trồng cây tràm và cây bần nhằm làm cho máy kênh ổn định, chống sạt lở đối với vùng có biên độ triều trên 2m.

Sau khi triển khai xây dựng 3 mô hình tại các tuyến sông, kênh (kênh cấp 1, 2 có biên độ triều trên 2m, lưu lượng tàu thuyền nhiều) trên địa bàn huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy; với chiều dài 380m, kinh phí 350 triệu từ nguồn xã hội hóa do Chi cục Thủy lợi vận động. Đến nay, mô hình phát triển tốt và phù hợp trong điều kiện tỉnh và được người dân nhiệt tình ủng hộ. Trên cơ sở đó, ngành Thủy lợi tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đưa vào chỉ tiêu trong Chiến dịch giao thông - thủy lợi và trồng cây hàng năm được chính quyền các cấp và người dân ủng hộ cao. Năm 2018, các địa phương xây dựng được trên 25km kè, năm 2019, xây dựng được 143km kè.

Bên cạnh đó, ngành Thủy lợi cũng kết hợp Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu Đề tài "Giải pháp chống sạt lở bờ sông, kênh bằng kè mềm sinh thái trên địa bàn tỉnh Hậu Giang" nhằm có cơ sở khoa học để tham mưu các cấp nhân rộng mô hình; dự kiến đầu năm 2020 xây dựng tiếp một mô hình kè 100m tại huyện Châu Thành./.

TTXVN/VNP


Top