![]()
Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
|
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp, tập đoàn và địa phương trên cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
Tăng trưởng GDP của quý 1 đạt khoảng 7,38% so với cùng kỳ, trong đó cả ba khu vực kinh tế lớn đều có sự tăng trưởng và đóng góp vào mức tăng trưởng chung là tín hiệu rất đáng mừng.
Trên cơ sở tình hình kinh tế-xã hội quý 1 này và tổng hợp tình hình, năng lực sản xuất các ngành, lĩnh vực theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP năm 2018 theo theo hai phương án.
Kịch bản 1 tương ứng với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức cao (6,7%).
Kịch bản 2 được xây dựng với mức tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 6,8%, trong đó chỉ thay đổi tăng trưởng của ngành công nghiệp, do xét thấy xu hướng tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là khá tốt.
Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đạt được mục tiêu phát triển nhanh nhưng phải bền vững để đảm bảo tốc độ tăng trưởng. Nền kinh tế của đất nước những tháng đầu năm có dấu hiệu phát triển tích cực nhưng không được chủ quan.
Phó Thủ tướng cho rằng, mục tiêu đạt mức tăng trưởng kinh tế-xã hội đạt 6,7% trở lên là mục tiêu nhất quán của Chính phủ.
Theo Phó Thủ tướng, kịch bản tăng trưởng chỉ có thể thực hiện được khi các nhân tố tham gia vào quá trình tăng trưởng đúng như dự báo. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần sự kiêm soát, nắm chắc quá trình tăng trưởng.
Phó Thủ tướng cho biết, đây là điểm mới trong điều hành của Chính phủ và yêu cầu các địa phương cần nắm chắc những khó khăn, nhân tố tạo nên sự tăng trưởng. Những bộ tham gia vào quá trình phát triển kinh tế ngành phải nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh để xem mặt hàng nào tăng, lĩnh vực nào giảm để cân đối.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu, gắn với điều kiện thực tế của mỗi vùng, mỗi ngành, mỗi địa phương.
Trên cơ sở đó, cần rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch phát triển phù hợp, đặc biệt với các bộ, ngành, địa phương, để xây dựng lộ trình để quy hoạch.
Đồng thời, xác định các dự án đầu tư và kêu gọi nhà đầu tư, huy động nguồn lực; khắc phục tình trạng trì trệ, khó khăn, đề ra những giải pháp khắc phục, đổi mới sáng tạo trên các lĩnh vực.../.
TTXVN/VNP