Tin tức

Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam và UNESCO để phục vụ phát triển đất nước

Ngày 28/2, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và định hướng hoạt động năm 2023.
  Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phát biểu. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo các bộ, ban ngành, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, đại diện ban quản lý các danh hiệu UNESCO tại Việt Nam và chuyên gia trong các lĩnh vực của UNESCO.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đánh giá cao những thành tích đạt được trong năm 2022 của Ủy ban trong các lĩnh vực hợp tác với UNESCO. Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất vào Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026.

Việt Nam được UNESCO công nhận thêm 4 danh hiệu, gồm: Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm – Di sản văn hóa phi vật thể; 2 di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương là Bia Mai Nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu; thành phố Cao Lãnh tham gia Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu UNESCO. Tổng giám đốc UNESCO bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 9/2022.

Đáng chú ý, hiện nay, Việt Nam là thành viên của 3 cơ chế điều hành và chuyên môn quan trọng của UNESCO, gồm: Hội đồng chấp hành nhiệm kỳ 2021-2025; Ủy ban ban liên chính phủ về bảo vệ, phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021-2025, Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026. Vai trò và vị thế của Việt Nam tại diễn đàn đa phương ngày càng được nâng cao.

Tại Hội nghị, các đại biểu đều bày tỏ cảm ơn công tác hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của Ban thư ký, đồng tình với những đánh giá về hoạt động Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trong năm 2022.

Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, năm 2023, UNESCO sẽ tiếp tục hỗ trợ mạng lưới các thành phố sáng tạo, du lịch bền vững, ngành thủ công địa phương, thương hiệu di sản, đối thoại chính sách về công nghiệp văn hóa (điện ảnh) tại Việt Nam. Ngoài ra, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức hội nghị về Công ước năm 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

“Một mục tiêu trọng tâm trong năm 2023 là chúng tôi sẽ thúc đẩy các sáng kiến dành cho thanh niên, những người làm sáng tạo, đẩy mạnh các diễn đàn, mạng lưới quốc tế kết nối Hà Nội tới khu vực châu Á và châu Âu”, ông Christian Manhart cho biết.

  Các đại biểu dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, định hướng công tác năm 2023. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN 

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam ghi nhận những đóng góp thiết thực, quý báu của các đại biểu cho phương hướng hoạt động của Ủy ban trong năm 2023.

Để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO cũng như góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Ủy ban đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, gồm: nghiên cứu các ý tưởng của UNESCO góp phần hoàn thiện chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học và thông tin truyền thông; thúc đẩy hợp tác công-tư, huy động nguồn lực xã hội hóa các hoạt động của UNESCO; phát huy vai trò thành viên tích cực, chủ động tại các cơ chế quan trọng Việt Nam đang là thành viên./.

Báo ảnh Việt Nam/TTXVN


Top