Tin tức

Thúc đẩy hợp tác Nghị viện Á-Âu để ứng phó hiệu quả với các thách thức


Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Hơn bao giờ hết, Nghị viện với vai trò là cơ quan đại diện cao nhất của người dân, cần tích cực thúc đẩy hợp tác, giúp kết nối, phát huy sức mạnh để ứng phó hiệu quả hơn với những thách thức.

Đây là phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu lần thứ 11 (ASEP-11) do Nghị viện Vương quốc Campuchia tổ chức theo hình thức trực tuyến, chiều 16/11 với chủ đề “Tăng cường hợp tác nghị viện vì hòa bình và phát triển bền vững trong và sau đại dịch COVID-19”.

Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao nỗ lực của Nghị viện Campuchia tổ chức Hội nghị ASEP-11 theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của đông đảo đại diện các Nghị viện thành viên, thể hiện quyết tâm trong việc duy trì kết nối giữa hai khu vực Á-Âu trên kênh nghị viện.

Nêu bật những thách thức đã và đang diễn ra trên toàn cầu, trong đó có đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đối mặt với những thách thức đó, không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự mình giải quyết mà cần phải có sự hợp tác của tất cả các nước trên thế giới. “Hơn bao giờ hết, Nghị viện với vai trò là cơ quan đại diện cao nhất của người dân, cần tích cực thúc đẩy hợp tác, giúp kết nối phát huy sức mạnh để ứng phó hiệu quả hơn”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết.

Là thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng hợp tác đa phương, hợp tác nghị viện khu vực và liên khu vực, trong đó có Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), ASEP. Nhằm thúc đẩy sự đồng hành của ASEP trong tăng cường quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, phát triển bền vững trong và sau đại dịch COVID-19 ở cả hai khu vực và trên toàn cầu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề xuất, Nghị viện các nước Á-Âu tiếp tục duy trì cam kết chính trị mạnh mẽ nhằm thúc đẩy hợp tác đa phương, hợp tác liên nghị viện, xây dựng lòng tin, đóng góp thiết thực vào các chương trình nghị sự khu vực và toàn cầu.

Cùng với đó, Nghị viện các nước Á-Âu tăng cường hợp tác, ủng hộ tiếp cận nguồn vaccine, trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ chẩn đoán, điều trị COVID-19 với chi phí hợp lý, công bằng, bình đẳng và kịp thời; đồng thời thúc đẩy vai trò các cơ chế hợp tác, đối thoại, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm hoạt động nghị viện, hoàn thiện khung khổ nhằm kiểm soát dịch COVID-19, thúc đẩy sớm phục hồi kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Nghị viện các nước Á-Âu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về cả nội dung và hình thức hoạt động của các cơ chế hợp tác Liên nghị viện trước sự phát triển nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hợp tác nhằm đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định dựa trên luật lệ, bảo vệ thượng tôn pháp luật ở vùng biển và đại dương, trong đó có duy trì Biển Đông là vùng biển hòa bình và hợp tác, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không.

Hợp tác Á-Âu đóng góp 55% thương mại, 65% tổng sản phẩm quốc nội và 75% du lịch toàn cầu, không chỉ là sự kết nối về kinh tế, mà còn là sự giao thoa về văn hóa, xã hội, chia sẻ mối quan tâm chung và những giá trị cốt lõi về duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự thế giới dựa trên luật lệ và phát triển bền vững, bao trùm.

Hội nghị Đối tác nghị viện Á-Âu (ASEP) là cơ chế hợp tác liên nghị viện song hành với Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM); được tổ chức 2 năm/lần và luân phiên giữa hai châu lục. ASEP-11 do Quốc hội Campuchia đăng cai tổ chức, với 33 đoàn đại biểu nghị viện các nước thành viên tham dự, đồng thời với việc Campuchia đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 13 (từ ngày 25-26/11/2021).

Hội nghị gồm 2 phiên toàn thể và 3 phiên thảo luận chuyên đề, tập trung đánh giá tình hình thế giới, khu vực Á-Âu trong thời gian qua, nhất là các cơ chế hợp tác ứng phó với đại dịch COVID-19, qua đó nêu bật vai trò của hợp tác nghị viện, góp phần thúc đẩy hợp tác ASEM để tăng cường đối thoại, chia sẻ quan điểm; nâng cao hiểu biết, xây dựng lòng tin, tôn trọng lẫn nhau; thúc đẩy chủ nghĩa đa phương; ngăn ngừa các xung đột tiềm tàng, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, đồng Chủ tịch ASEP-11, Samdech Akka Moha Ponhea Chakrei Heng Samrin nêu rõ, mặc dù vẫn duy trì được hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển trong khu vực, tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân của hai khu vực, trong đó có đại dịch COVID-19 và các vấn đề an ninh, chủ nghĩa khủng bố, cạnh tranh thương mại, cạnh tranh công nghệ, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, bất bình đẳng xã hội, mất cân bằng giữa các nước lớn…

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, Hội nghị ASEP-11 với chủ đề “Tăng cường hợp tác nghị viện vì hòa bình và phát triển bền vững trong và sau đại dịch COVID-19” có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với tình hình hiện nay. Hội nghị không chỉ tạo cơ hội tăng cường hơn nữa quan hệ, hợp tác cũng như làm sâu sắc hơn sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nghị viện Á-Âu, mà còn là diễn đàn để các nghị viện thành viên cùng thảo luận những giải pháp vượt qua thách thức, thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng, phát triển bền vững. Đây cũng chính là nguyện vọng chung của người dân hai khu vực và trên toàn thế giới.

Hội nghị diễn ra trùng vào thời điểm các nước thành viên mở cửa lại nền kinh tế, bắt đầu thích ứng với trạng thái bình thường mới. Chính vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia đề nghị các nước thành viên thúc đẩy hơn nữa đối thoại trong giải quyết các thách thức, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của ngoại giao nghị viện trong đảm bảo nền hòa bình lâu dài, thịnh vượng chung, công bằng xã hội, quản trị tốt, bảo đảm nhân quyền và giá trị của dân chủ.

Nhấn mạnh đại dịch COVID-19 vẫn là mối lo ngại trên toàn thế giới, đặc biệt là với các quốc gia đang phát triển, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Heng Samrin kêu gọi tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu trong sản xuất, phân bổ công bằng vaccine, bảo đảm mọi người dân đều được tiêm chủng. Các nghị viện thành viên cần ủng hộ mạnh mẽ chiến lược phục hồi kinh tế ở cả hai khu vực, thúc đẩy hệ thống thương mại tự do, đa biên, cũng như duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu, sự kết nối, hội nhập kinh tế trong khu vực và liên khu vực./.

TTXVN/VNP

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh trống khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh trống khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3

Lễ Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3, năm 2024 với các thông điệp: "Sách hay cần bạn đọc"; "Sách quý tặng bạn"; "Tặng sách hay - Mua sách thật"; "Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe" đã khai mạc tối 17/4, tại khu vực Hồ Văn thuộc quần thể di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội). Sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức.

Top