Tin tức

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ

Trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV và nhân Tháng Công nhân, sáng 14/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tiếp xúc cử tri tại quận Bình Thủy.
  Thủ tướng Phạm Minh Chính với cử tri thành phố Cần Thơ. Ảnh: Dương Giang-TTXVN  
  Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Hơn 200 cử tri đại diện các doanh nghiệp, công nhân, người lao động ở Cần Thơ đã dự, nêu ý kiến với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ và Thủ tướng. 

Tại cuộc tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ thông tin nội dung về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; báo cáo việc triển khai thực hiện một số chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, công nhân lao động thời gian qua; tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri để tổng hợp, báo cáo phản ánh đến cơ quan chức năng thuộc thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Cử tri thành phố Cần Thơ vui mừng, tin tưởng sự chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Trong điều kiện khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo sát sao, tháo gỡ nhiều vướng mắc. Nhờ đó, kinh tế-xã hội phục hồi nhanh và phát triển khá; đời sống nhân dân được nâng lên; công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng được chú trọng. Cử tri đánh giá cao cá nhân Thủ tướng và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ thực hiện tốt vai trò năng, nhiệm vụ, giải quyết nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền.

Cử tri cũng nêu ý kiến, kiến nghị một số vấn đề về về phát triển doanh nghiệp, tạo việc làm, duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập đời sống của người lao động; giải pháp phát triển nhà ở và an sinh xã hội; phản ánh bất cập, vướng mắc từ thực tiễn thi hành pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp, công nhân lao động…

Thủ tướng và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, thành phố Cần Thơ đã giải trình, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết. Đó là ý kiến về mức tiền lương tối thiểu vùng; về chính sách nhà ở, hoặc nhà trọ cho công nhân lao động thuê hoặc mua với giá rẻ; hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, mở rộng và tìm kiếm thị trường; bảo vệ quyền lợi người lao động khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội; xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân, người lao động; giải pháp phòng, chống nạn “tín dụng đen”, lừa đảo trên không gian mạng…

Phát biểu tại hội nghị, điểm lại kết quả thực hiện các nội dung của Kỳ họp thứ 4 và công tác chuẩn bị, nội dung của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng thông báo với với cử tri thành phố Cần Thơ về tình hình phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Thủ tướng cho biết, thời gian qua, dù còn có nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới, dịch bệnh và những vấn đề nội tại của nền kinh tế, song nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta tiếp tục đạt được mục tiêu tổng quát về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đời sống người dân ổn định, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4/2023 tiếp tục xu hướng tích cực, một số lĩnh vực được cải thiện hơn so với tháng 3 và 3 tháng đầu năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 giảm 0,34% so với trước. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; lãi suất điều hành tiếp tục giảm; lãi suất cho vay bình quân đã giảm 0,67% so với cuối năm 2022. Thu ngân sách Nhà nước 4 tháng ước đạt 39% dự toán. Vốn đầu tư thực hiện nguồn ngân sách nhà nước tháng 4 đạt 39,3 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4%, giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đạt trên 110,6 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. 

Vốn FDI đăng ký mới 4 tháng tăng 65,2% về số dự án, tăng 11% về vốn đăng ký; tháng 4 xuất siêu ước đạt 1,51 tỷ USD, 4 tháng xuất siêu đạt 6,35 tỷ USD. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng trở lại, tháng 4 tăng 3,6% so với tháng 3 và tăng 0,5% so với cùng kỳ. Khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi; du lịch phục hồi nhanh, với 3,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 19,2 lần so cùng kỳ…

Công tác an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân tiếp tục được quan tâm. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí. Công tác đối ngoại và hội nhập được đẩy mạnh, uy tín và vị thế đất nước tiếp tục nâng lên...

Các tổ chức quốc tế đánh giá tốt về tình hình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan trong thời gian tới. Việt Nam là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế của khu vực ASEAN và ASEAN là điểm sáng về tăng trưởng của thế giới.

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, hạn chế như tăng trưởng GDP suy giảm; thị trường xuất khẩu lớn thu hẹp; thị trường tài chính tiềm ẩn nhiều rủi ro; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Tỷ lệ doanh rời khỏi thị trường tăng; các thị trường trái phiếu, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn; tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm của người dân, doanh nghiệp chưa được cải thiện. Bên cạnh đó còn có hiện tượng cán bộ sợ trách nhiệm; thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền chưa như mong muốn…

“Đây là những vấn đề mà Chính phủ sẽ nỗ lực, tập trung xử lý, khắc phục trong thời gian tới; khó khăn phải tháo gỡ, thách thức phải vượt qua”, Thủ tướng chỉ rõ.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; thúc đẩy hội nhập; khắc phục hậu quả sau đại dịch COVID-19; phục hồi nhanh và phát triển bền vững; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm, tạo sinh kế cho người dân; tìm thị trường, đa dạng hoá sản phẩm, chuỗi cung ứng; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng nhiều công cụ như giảm, giãn, miễn thuế, phí, lệ phí, kéo dài thời hạn nộp thuế, đi đôi với chú ý cân đối với tình hình lạm phát.

“Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; chính sách tài khoá mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, hiệu quả”, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ chỉ đạo tháo gỡ về thể chế, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền; ứng dụng công nghệ số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, thúc đẩy ứng dụng Đề án 06 để tăng cường quản lý dân cư; đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược là cải cách, hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển hạ tầng. Chính phủ tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư; đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có nhà ở, thiết chế văn hóa cho công nhân; đảm bảo độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời đẩy mạnh công tác quy hoạch, gồm quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành; tăng cường hợp tác quốc tế, trong đó có ngoại giao kinh tế; xây dựng bộ máy tin gọn, hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, uy tín; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bảo vệ người làm đúng, xử lý người làm sai để làm gương để bảo vệ người làm đúng; bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; bảo vệ người làm việc với động cơ trong sáng, không vụ lợi mà vì lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng, đây đều là những vấn đề rất thời sự, thiết thực. Lãnh đạo các bộ, ngành và thành phố đã có giải đáp khá thỏa đáng. Thủ tướng chia sẻ với tâm tư, ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố Cần Thơ; đề nghị các cấp, các ngành liên quan tiếp tục tổng hợp, giải trình, tiếp thu và giải quyết những đề xuất, kiến nghị đúng thẩm quyền và thấu đáo. Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tổng hợp, trình cơ quan liên quan với những vấn đề vượt và không thuộc thẩm quyền giải quyết.

Thủ tướng khẳng định, là đại biểu Quốc hội của thành phố Cần Thơ, Thủ tướng luôn phấn đấu để làm tròn trách nhiệm; luôn gắn bó, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của đồng chí, đồng bào, cử tri, lãnh đạo Đảng bộ Cần Thơ; cố gắng làm hết sức mình, góp phần cho sự phát triển và thịnh vượng của Cần Thơ nói riêng, cả nước nói chung.

* Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính trao tượng trưng 200 suất quà tặng công đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Cần Thơ./.

Báo ảnh Việt Nam/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh Tập đoàn Hyosung đầu tư thêm 4 tỷ USD tại Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh Tập đoàn Hyosung đầu tư thêm 4 tỷ USD tại Việt Nam

Chiều 14/10, tiếp ông Cho Hyun-joon, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) lần thứ 2 thăm và làm việc tại Việt Nam chỉ trong 3 tháng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự tin tưởng, nỗ lực và quyết tâm của Tập đoàn Hyosung trong quá trình triển khai hoạt động tại Việt Nam; mong muốn Tập đoàn Hyosung tiếp tục phát huy kết quả hoạt động kinh doanh và mở rộng đầu tư hướng đến những mục tiêu mới cao hơn trong thời gian tới. Ghi nhận hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả của Tập đoàn cũng như các hoạt động trách nhiệm xã hội tại Việt Nam, trên nền tảng quan hệ rất tốt đẹp giữa hai nước, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án của Tập đoàn đầu tư kinh doanh hiệu quả và phát triển lành mạnh, bền vững, có lợi nhuận tại Việt Nam với quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Top