Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Công viên Tưởng niệm hòa bình Hiroshima và tàu vận chuyển hydro hóa lỏng đầu tiên trên thế giới
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio mời Trưởng đoàn các nước khách mời, người đứng đầu các tổ chức quốc tế thăm Bảo tàng Tưởng niệm hòa bình. Tại đây, các khách mời được xem mô hình điện tử thành phố Hiroshima trước khi bị ném bom và sau khi bị bom phá hủy; xem một số bức tranh về thành phố bị tàn phá cũng như những hiện vật còn sót lại sau vụ ném bom.
Với việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay tại thành phố Hiroshima, Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio muốn khẳng định mục tiêu chính trị về một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Đây cũng là lần đầu tiên thành phố bị ném bom nguyên tử đăng cai sự kiện lớn nhất và quan trọng nhất trong năm của G7. Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima được xây dựng tại quận Naka, thành phố Hiroshima (nơi gần trung tâm vụ nổ), với hy vọng thế giới được hòa bình mãi mãi.
Mái vòm bom nguyên tử - nơi được chứng nhận là Di sản thế giới, cùng với Bảo tàng Tưởng niệm hòa bình Hiroshima - nơi mô tả tình trạng của thành phố Hiroshima vào thời điểm xảy ra vụ ném bom, là những địa điểm lưu giữ dấu tích về thảm kịch của vụ ném bom nguyên tử.
Sau khi tham quan Bảo tàng tưởng niệm hòa bình trong khuôn viên, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã cùng các lãnh đạo đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân và ký sổ lưu niệm.
Trong cuộc gặp sau đó với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thống đốc tỉnh Hiroshima, ông Yuzaki Hidehiko nhấn mạnh việc Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thăm Hiroshima, đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm hòa bình là sự khẳng định ủng hộ một thế giới hòa bình, không có vũ khí hạt nhân. Cũng trong sáng 21/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Trưởng đoàn các nước khách mời, người đứng đầu các tổ chức quốc tế đã đến thăm cảng Itsukaichi và tàu “Suiso Frontier”- tàu vận chuyển hydro lỏng đầu tiên trên thế giới.
Trên tàu “Suiso Frontier”, hydro bị hóa lỏng ở nhiệt độ cực thấp (âm 253 độ C), thể tích giảm xuống còn 1/1800. Đây là một bước tiến trong nỗ lực hình thành thị trường hydro trên quy mô toàn cầu. Để hình thành thị trường này, cần phải có một công nghệ cho phép vận chuyển hydro lớn từ các nước sản xuất hydro đến các quốc gia có nhu cầu năng lượng cao.
Tại cuộc họp Bộ trưởng G7 về năng lượng mới đây, hydro đã trở thành nội dung lớn trong chương trình nghị sự và các bộ trưởng đã đồng ý với đề xuất tăng tốc chuyển đổi của Hiệp hội Hydro. Năm 2017, Nhật Bản đã đưa ra một chiến lược hydro cơ bản và dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực hydro./.