Cùng dự có Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản có hơn 476.000 người, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản và là cộng đồng người Việt lớn thứ hai trên thế giới. Trong đó, có khoảng 250.000 lao động, tu nghiệp sinh, thực tập sinh, khoảng 50.000 lưu học sinh, 60.000 kỹ sư và khoảng 40.000 người định cư tại Nhật Bản… Người Việt Nam hiện sinh sống, làm việc và học tập trên khắp 47 tỉnh, thành phố của Nhật Bản.
Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đa số là người trẻ, năng động, đội ngũ doanh nhân đang được hình thành, số lượng chuyên gia, trí thức tăng lên. Bà con thực hiện tốt chính sách pháp luật của nước sở tại; luôn có ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc, luôn đoàn kết, hướng về quê hương, đất nước, tích cực ủng hộ các hoạt động khắc phục thiên tai, phòng chống COVID-19… Chính quyền Nhật Bản cũng tạo điều kiện cho người Việt sinh sống, kinh doanh, học tập thuận lợi.
Tại buổi gặp mặt, kiều bào bày tỏ vui mừng đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hiroshima dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và đối với Nhật Bản; bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ và tương lai ngày càng tốt đẹp của đất nước trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản cũng nêu các kiến nghị nhiều nội dung nhằm phát triển cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản; quảng bá hình ảnh Việt Nam tại Nhật Bản; các cơ chế, chính sách để kiều bào được đóng góp nhiều hơn cho đất nước và cho quan hệ Việt Nam - Nhật Bản như: tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động giao lưu văn hóa Việt - Nhật; có chính sách về đất đai thông thoáng hơn cho kiều bào; chính sách thuế đối với lao động Việt Nam tại Nhật Bản; đơn giản hóa thủ tục để các nhà khoa học được đóng góp nhiều hơn cho đất nước; các công trình khoa học của người Việt Nam tại Nhật Bản được ứng dụng rộng rãi hơn tại Việt Nam…
Trò chuyện với kiều bào, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng vì chứng kiến sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản; xúc động trước tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm, khát khao cống hiến của kiều bào đối với quê hương, đất nước, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Thủ tướng nêu rõ Đảng, Nhà nước luôn khẳng định kiều bào là một bộ phận quan trọng không thể tách rời, là một động lực phát triển của đất nước. Đảng, Nhà nước có trách nhiệm chăm lo cho kiều bào và mong muốn cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng có trách nhiệm cống hiến cho coi đất nước. Bản thân Thủ tướng khi gặp bất cứ lãnh đạo quốc gia nào cũng gửi gắm về việc tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam sở tại sinh sống, học tập, làm việc thuận lợi.
Điểm lại lịch sử quan hệ hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam – Nhật Bản có mối duyên nợ. Hiện nay, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản tốt đẹp hơn bao giờ hết. Chỉ trong chưa đầy 2 năm từ khi nhậm chức Thủ tướng Chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Fumio Kishida và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có 6 lần gặp gỡ để trao đổi, thảo luận các nội dung thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển hơn nữa. Hiện nay, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Hai nước cũng chia sẻ lập trường, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trên các diễn đàn đa phương. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Đây là điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản phát triển; để bà con học tập, công tác, kinh doanh thuận lợi, đóng góp cho đất nước và quan hệ hai nước”.
Thông tin về tình hình đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau hơn 35 năm đổi mới, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 409 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 160 USD lên 4.100 USD. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 371 tỷ USD năm 2022. Đến nay, Việt Nam đã nằm trong danh sách 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; đã ký kết khoảng 100 hiệp định thương mại song phương và đa phương, hơn 60 hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; an ninh trật tự, quốc phòng được giữ vững; đối ngoại được tăng cường.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của kiều bào, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đây là trách nhiệm của chính phủ. Những vấn đề bà con nêu đang được các bộ, ngành, cơ quan xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình. Thủ tướng đề nghị cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản nói riêng và kiều bào nói chung tiếp tục đóng góp ý kiến để các nội dung phù hợp của bà con được cụ thể hóa chủ trương, chính sách, pháp luật quá trình hoàn thiện thể chế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Đại sứ quán, các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài nói chung và tại Nhật Bản nói riêng phải xem kiều bào như người thân trong gia đình, để bảo vệ các lợi ích hợp pháp của bà con; đồng thời bà con cũng coi cán bộ Đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và giữa bà con với nhau như người thân để chia sẻ, cùng nhau tiến bộ; như câu ca dao của ông, cha ta “Bầu ơi thương lấy bí cùng; tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi, chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản; mong muốn bà con tiếp tục lớn mạnh, phát triển; giữ gìn bản sắc; luôn hướng về quê hương, đất nước./.