Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về phát huy hiệu quả hoạt động của 19 Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước
Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương liên quan và lãnh đạo 19 Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước.
Sau gần 5 năm thành lập, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban Quản lý vốn) đã thực hiện cơ bản đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty. Mô hình quản lý này mang lại một số thay đổi tích cực.
Nhờ đó, 19 Tập đoàn, Tổng Công ty tăng trưởng tốt, có hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, qua đó cho thấy việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước là phù hợp. Tính đến 31/12/2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 Tập đoàn, Tổng công ty là 1 triệu 173 ngàn tỷ đồng; tổng tài sản hợp nhất là 2 triệu 445 tỷ đồng.
Tính đến năm 2022, 19 Tập đoàn, Tổng công ty đã đóng vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực quan trọng, cụ thể; đảm bảo khoảng 87% điện năng, 50% xăng dầu bán lẻ, 100% khí khô, 70% khí hóa lỏng, 70% phân bón, 45% thuê bao di động, 41% băng rộng cố định mặt đất, 49% vận tải hành khách hàng không nội địa, quản lý 21/22 cảng hàng không dân dụng trên cả nước, 16% hàng hóa vận tải biển, 100% điều hành và vận tải giao thông đường sắt.
Về cơ bản, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt được hàng năm đều tăng trưởng. Năm 2022, tổng doanh thu đạt 1 triệu 598 ngàn tỷ đồng (năm 2021 đạt 1 triệu 319 ngàn tỷ đồng), tổng lợi nhuận trước thuế đạt 83 ngàn 167 tỷ đồng (năm 2021 đạt 67 ngàn 478 tỷ đồng), tổng nộp ngân sách nhà nước đạt 191 ngàn 781 tỷ đồng (năm 2021 đạt 177 ngàn 211 tỷ đồng).
Một số tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, kết hợp sản xuất, kinh doanh với góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia; điển hình như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam...
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau gần 5 năm thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chúng ta đã sơ kết và báo cáo Bộ Chính trị. Chính phủ tổ chức hội nghị nhằm tiếp tục triển khai kết luận của Bộ Chính trị; đánh giá lại hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, đề ra giải pháp trọng tâm cho thời gian tới để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần đánh giá kỹ lưỡng hơn những việc đã làm được, chưa làm được, bài học kinh nghiệm, sắp tới cần làm gì để nâng cao kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; phải nghiên cứu Kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp” để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác này thời gian tới.
Theo Thủ tướng, sau hơn 2 năm chống dịch COVID-19 vừa qua, về tổng thể, kinh tế vĩ mô cơ quan bản ổn định, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; an ninh chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; công tác đối ngoại được đẩy mạnh và tăng cường… Trong thành tích chung của cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, có vai trò đóng góp rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là 19 Tập đoàn, Tổng công ty.
Thủ tướng nhấn mạnh, đến cuối năm 2022, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nắm giữ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước và nắm giữ khoảng 65% tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước. Qua số liệu này cho thấy, dư địa phát triển của doanh nghiệp nhà nước là rất lớn nhưng đóng góp chưa thực sự tương xứng với nguồn vốn chủ sở hữu và tổng tài sản các doanh nghiệp đang nắm giữ.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phải thực hiện hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị. Do đó, Thủ tướng đề nghị đại biểu dự hội nghị thảo luận tình hình hoạt động trong 5 năm vừa qua, những bài học quý, chỉ ra những hạn chế, vướng mắc để tháo gỡ, dự báo những khó khăn, thách thức để vượt qua.
Đặc biệt, các đại biểu thảo luận, nêu tình hình liên quan các thể chế, cơ chế, chính sách quản lý Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với các doanh nghiệp; vấn đề quản trị kinh doanh; sự tham gia của các Tập đoàn, Tổng công ty vào đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu…, góp phần nâng cao hiệu quả của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong giai đoạn hiện nay để phục hồi nhanh, phát triển bền vững…