Tin tức

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Trao cơ hội để người dân phát huy hết năng lực

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động). Đây là số liệu do Tổng cục Thống kê công bố trong Hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia tổ chức sáng 7/8 tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát động phong trào “Năng suất lao động quốc gia” trong toàn bộ nền kinh tế.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, nếu năm 2011, năng suất lao động của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia lần lượt gấp năng suất lao động của Việt Nam 17,6 lần, 6,3 lần, 2,9 lần và 2,4 lần, thì đến năm 2018 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 13,7 lần, 5,3 lần, 2,7 lần và 2,2 lần.

Phát biểu tại Hội nghị nghiên cứu chính sách ở tầm vĩ mô này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay thấp hơn so với các nước vì có xuất phát điểm thấp. Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, "tiềm lực trong mỗi người dân còn rất lớn".

"Nếu chúng ta có thể tăng tốc lao động lên gấp đôi thì khoảng cách mức sống của Việt Nam sẽ rút ngắn hơn nữa. Nhiệm vụ này không phải không khả thi khi so sánh tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước trong những năm qua", Thủ tướng nói. 

Yêu cần cần nhận thức rõ vấn đề này để truyền thông, qua đó tạo niềm tin trong xã hội, Thủ tướng khẳng định, "chưa bao giờ 30 năm đổi mới, chúng ta duy trì được tăng trưởng cao như vậy, đời sống người dân ngày càng cải thiện tích cực".

Chỉ ra những điểm nghẽn khiến năng suất nói chung và năng suất lao động Việt Nam chưa tăng như kỳ vọng, Thủ tướng cho rằng đó là thể chế kinh tế, quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thị trường đặc biệt là thị trường lao động, giá cả …đặc biệt là tiền lương chưa vận hành theo cơ chế thị trường.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đưa ra 6 định hướng lớn để cải cách thúc đẩy tăng năng suất lao động tại Việt Nam.
Theo đó, đầu tiên là cải cách thể chế kinh tế thị trường XHCN; nâng cao năng lực quản trị Nhà nước, cạnh tranh quốc gia.
"Người dân cần được trao cơ hội để phát huy hết năng lực của mình nhằm đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội", Thủ tướng nói.

Định hướng nữa là cải cách nhanh hơn khu vực doanh nghiệp Nhà nước, khơi thông nguồn lực,  thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân và khu vực khác như hợp tác xã để trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế đặc biệt là khu vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.  

"Ở Việt Nam tư duy phải thay đổi" Thủ tướng nói và lưu ý nhiệm vụ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước không chỉ là giám sát quản lý vốn mà phải là nâng cao hiệu quả quản trị.

Bên cạnh đó là tiếp tục thu hút FDI mạnh mẽ nhưng có chọn lọc, ưu tiên dự án có hiệu quả sử dụng vốn, công nghệ, có sức lan tỏa và mang lại giá trị gia tăng cao để góp phần đưa nâng suất lao động cao hơn; đồng thời kết hợp giữa FDI với doanh nghiệp trong nước để chuyển giao công nghệ mạnh mẽ hơn.

Định hướng cuối cùng là không ngừng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng; tham gia vào dòng chảy thương mại kinh tế quốc tế để biến dòng chảy này thành lực đẩy cải cách nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tại Hội nghị, cùng với 6 định hướng lớn, Thủ tướng cũng nêu 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cụ thể hóa những định hướng này nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tăng năng suất lao động.

Theo đó, nhiệm vụ hàng đầu là thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thể chế để mọi nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực có thể huy động phân bổ và sử dụng có hiệu quả nhất.

Tập trung cải thiện tính hiệu quả của thị trường lao động cả phía cung và phía cầu; đảm bảo mọi người dân, doanh nghiệp đều tham gia vào thị trường lao động với chi phí giao dịch thấp nhất, người lao động tìm được việc làm phù hợp phát huy tối đa năng lực của mình.

Thủ tướng cũng đề nghị thiết lập cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thu hút những tài năng cả trong và ngoài nước đặc biệt các chuyên gia, du học sinh.

"Một người lo bằng kho người làm” Thủ tướng nhắc đến câu nói này để minh họa cho việc tăng năng suất với ý nghĩa: Người tài có thể giải quyết được nhiều vấn đề về năng suất thông qua các sáng kiến, ý tưởng mới.

Thủ tướng cũng lưu ý nhiệm vụ xây dựng cơ chế cán bộ mở trong cơ quan Nhà nước để thu hút người giỏi, tài năng. Đi liền với đó là nâng cao chất lượng giáo dục, định hướng ưu tiên đào tạo tài năng, kỹ năng mới; coi đây là quốc sách hàng đầu của Việt Nam trong bối cảnh mới.

Lao động phải được trang bị vốn và công nghệ mới, có thể phát huy được năng lực. Do đó đầu tư cho khoa học công nghệ cũng là một trong những chính sách cần ưu tiên, Thủ tướng nêu rõ. 

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, các địa phương, các doanh nghiệp đều phải có trách nhiệm để đưa năng suất lao động Việt Nam phát triển đặc biệt là xây dựng chính sách. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ thể chế hóa cuộc họp này để xây dựng văn bản pháp luật trong vòng nửa tháng nữa trình Thủ tướng xem xét, ban hành làm cơ sở cho các cấp, các ngành triển khai./.

TTXVN/VNP


Top