Tin tức

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN-37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
Chiều 15/11, ngay sau Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, thay mặt nước Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Họp báo thông báo kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan.

Phát biểu tại Họp báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng thông báo, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan vừa kết thúc thành công tốt đẹp, đạt nhiều kết quả quan trọng với hơn 20 phiên họp cấp cao, có trên 80 văn kiện đã được thông qua, khối lượng lớn nhất từ trước đến nay.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 diễn ra tại Hà Nội đã thảo luận, bàn bạc những vấn đề hết sức thiết thực, cụ thể đối với các nước, với gần 630 triệu người dân ASEAN. Các nước ASEAN và các đối tác đã thảo luận những giải pháp cần thiết để phòng, chống dịch COVID-19 trong ASEAN tốt nhất với những biện pháp cụ thể, mạnh mẽ và sự hợp tác tốt giữa các nước.

Hội nghị đã thảo luận những biện pháp để phục hồi nền kinh tế ASEAN, để thực hiện "mục tiêu kép" là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm trong nội khối ASEAN. Trong đó, có một sự kiện nổi bật, đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác đã được ký kết, thông qua vào sáng 15/11. Đây là một sự kiện quan trọng không chỉ với ASEAN mà còn có tầm quan trọng với thương mại toàn cầu, cũng như đưa ra các biện pháp khác để giảm sự đứt gẫy chuỗi cung ứng, duy trì dòng lưu chuyển thương mại, đầu tư nội khối ASEAN và các đối tác.

ASEAN đã thảo luận các vấn đề an ninh, hòa bình trong khu vực ASEAN, nhất là trong khu vực biển ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác có liên quan để hiểu biết nhau hơn, có môi trường tốt hơn dựa trên luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trên tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”, các nước thành viên ASEAN đã nhất trí sẽ nỗ lực hơn nữa, thu hẹp khoảng cách phát triển, đưa hợp tác khu vực lên tầm cao mới với việc trao đổi sâu hơn, kỹ hơn về hợp tác tiểu vùng, đưa các vùng miền xa xôi như Mekong, những tam giác phát triển ASEAN hội nhập với dòng chảy chung của Cộng đồng.

Tại Hội nghị lần này, lần đầu tiên ASEAN đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ ASEAN với sự góp mặt của đông đảo các nhà lãnh đạo nữ trong khu vực và trên thế giới nhằm đề cao vai trò, đóng góp của phụ nữ trong một thế giới hậu COVID-19. Tại Hội nghị lần này, cũng có Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN, các nước thành viên ASEAN đánh giá cao đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp ASEAN. Đặc biệt, với 2.500 doanh nghiệp đã tạo không khí mới cho hợp tác giai đoạn mới sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được thực hiện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong nhiều năm qua, quan hệ đối ngoại đã trở thành bộ phận quan trọng trong hợp tác ASEAN. Đặc biệt lần này, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) giữa 10 nước ASEAN và các nước đối tác đã thảo luận một cách khách quan, trách nhiệm, hợp tác và đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, thể hiện một lần nữa hình ảnh năng động, tinh thần kết nối gần gũi, thân ái của ASEAN, nâng cao vị thế của ASEAN.

Tại kỳ Hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo đều khẳng định, trong giai đoạn khó khăn của hậu COVID-19, vấn đề hợp tác vì hòa bình, ổn định trở nên cấp thiết hơn lúc nào hết. Một tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền và các quyền chính đáng của các quốc gia theo luật pháp quốc tế đã được Hội nghị khẳng định. Lãnh đạo các nước đều quyết tâm và khẳng định cùng nhau xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác. Nơi tự do hàng hải và hàng không phải được bảo đảm, mọi hoạt động trên biển đều dựa trên khuôn khổ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Các nước dự Hội nghị đề cao kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ASEAN và Trung Quốc sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Cấp cao Đông Á (EAS) lấy mục tiêu dùng đối thoại làm công cụ, với hợp tác là phương châm, sau 15 năm hình thành và phát triển đã thống nhất cần nâng tầm trao đổi về các vấn đề liên quan tới hòa bình và ổn định của khu vực rộng lớn nhất thế giới.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ  37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan đã thành công tốt đẹp, mở ra những con đường mới cho ASEAN và nâng tầm hợp tác với các đối tác để cùng hợp tác, cùng phát triển hòa bình, thịnh vượng trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan đã thành công tốt đẹp, trong đó có thể nói cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn được coi là một trong những thách thức lớn đối với ASEAN trong năm 2020 và ảnh hưởng tới đoàn kết, thống nhất của ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn là thách thức lớn của ASEAN trong năm 2020 và những cạnh tranh này cũng làm cho đoàn kết, thống nhất ASEAN bị ảnh hưởng.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các nước lớn đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo hòa bình, duy trì ổn định và thúc đẩy thịnh vượng toàn cầu, trong đó có các nước Đông Nam Á. ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đều mong muốn các nước có quan hệ tích cực, cạnh tranh lành mạnh, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. Từ đó đóng góp hiệu quả, thực chất cho hòa bình, an ninh, hợp tác trên khu vực và trên thế giới.

Xây dựng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, trên tinh thần đó, Việt Nam đã đoàn kết cùng các nước thành viên ASEAN thống nhất trong lập trường, nhất quán trong hành động, chân thành trong hợp tác cùng với đối tác phấn đấu vì một khu vực rộng mở minh bạch và hoạt động dựa trên luật lệ. Quan điểm này được thể hiện rõ trong các văn kiện của ASEAN trong năm 2020, đặc biệt trong tuyên bố chung về tầm quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định Đông Nam Á nhân dịp 53 năm thành lập.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hội nghị các nước Đông Á bao gồm định chế quốc tế lớn nhất như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới và các nước lớn tham gia cùng ASEAN đều có thống nhất cao trong quá trình giải quyết vấn đề đặt ra, nhất là trong vấn đề trên biển đều được giải quyết theo luật lệ quốc tế, đặc biệt ở Biển Đông, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các quy định khác trở thành nền tảng để giải quyết vấn đề này, xây dựng hòa bình, hiểu biết, tôn trọng luật pháp.

Liên quan đến câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết ý nghĩa của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Hiệp định RCEP có quy mô 26 nghìn tỷ USD, với dân số 2,2 tỷ người, chiếm 30% dân số và 30% tổng GDP của thế giới. Xác định tầm quan trọng như vậy, các nước ASEAN đã cùng thảo luận, bàn bạc để đi đến quyết định cuối cùng là ký được Hiệp định RCEP vừa công bố sáng 15/11/2020. Đây không những là Hiệp định thương mại ảnh hưởng trong khu vực mà còn ảnh hưởng đến thương mại của toàn cầu.

Về việc Ấn Độ tham gia vào Hiệp định RCEP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Ấn Độ là nước đầu tiên tham gia nhưng sau đó Ấn Độ vẫn chưa trực tiếp ký kết để trở thành thành viên Hiệp định RCEP. Các nước ASEAN luôn luôn mở cửa để Ấn Độ có thể tham gia và chào đón Ấn Độ trong thời gian tới, tạo mọi điều kiện để Ấn Độ có thể tham gia thuận lợi nếu Ấn Độ thấy điều đó là cần thiết, hoan nghênh Ấn Độ tham gia Hiệp định RCEP. "Sau đây, các nước sẽ phê chuẩn trong nội bộ để Hiệp định RCEP có hiệu lực, phát huy tác dụng trong hệ thống 15 nước đã ký kết", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh./.

TTXVN/VNP


Top