Tin tức

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tài chính phải góp phần khơi dậy và giải phóng nhiều nguồn lực của đất nước

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN
Ngày 8/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2020 hết sức khó khăn, nhưng nhờ dư địa tài khóa tích lũy từ việc cơ cấu lại ngân sách và nợ công, nên cân đối ngân sách được đảm bảo; góp phần hoàn thành cao nhất nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhiệm kỳ.

“Ước tính, trong năm 2020 đã gia hạn cho khoảng 185 nghìn lượt người nộp thuế; thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho khoảng trên 6 triệu người nộp thuế, với tổng kinh phí được miễn, giảm, gia hạn khoảng 130 nghìn tỷ đồng” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, ngành Tài chính không những hoàn thành toàn diện, vượt mức, xuất sắc nhiệm vụ 5 năm mà đặc biệt trong năm 2020, thực hiện càng xuất sắc hơn.

Những chỉ số đạt được của ngành Tài chính rất có ý nghĩa, thể hiện sự vững mạnh của nền tài chính quốc gia trong bối cảnh đại dịch COVID-19, “con số này làm cho chúng ta thở phào, nói lên quản lý tài chính chặt chẽ. Ổn định vĩ mô là bài học kinh nghiệm xương máu trong quản lý kinh tế thì chúng ta đã giữ được điều này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói thêm.

Năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, không chỉ dịch bệnh mà cả cạnh tranh quốc tế, nguy cơ khủng hoảng tài chính, tiền tệ, nợ công trên phạm vi toàn cầu có thể xảy ra. Đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến ngành tài chính, cả về thu và chi Ngân sách Nhà nước, nợ công, thị trường tài chính mà trước hết thu Ngân sách Nhà nước ở những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Trong bối cảnh như vậy, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong năm 2021 và những năm tiếp theo thì mới hiện thực hóa được khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển trong 5-10 năm tới. Tài chính phải góp phần khơi dậy và giải phóng nhiều nguồn lực của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành Tài chính tiếp tục đổi mới tư duy chiến lược theo hướng tài chính vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Cần chủ động phối hợp hiệu quả với các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện ngày càng tốt hơn sứ mệnh đặc biệt quan trọng của mình, đó là đảm bảo huyết mạch của nền kinh tế thông suốt, an toàn và tạo nền, điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành Tài chính bám sát phương châm hành động của Chính phủ để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ (Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP), tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm điều tiết vĩ mô, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tập trung thực hiện rà soát sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, các cơ chế chính sách thuộc lĩnh vực tài chính – Ngân sách Nhà nước. Làm tốt công tác quản lý thu Ngân sách Nhà nước, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh; tăng cường chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế, buôn lậu, gian lận thương mại...; giảm nợ đọng thuế năm 2021 xuống dưới 5% tổng thu Ngân sách Nhà nước; phấn đấu tăng thu Ngân sách Nhà nước tối thiểu 3% so dự toán theo Nghị quyết Chính phủ, tỷ lệ động viên vào Ngân sách Nhà nước đạt 15,5% GDP.

Cùng với đó là điều hành chi Ngân sách Nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Kiểm soát bội chi Ngân sách Nhà nước trong phạm vi 4% GDP và phấn đấu thấp hơn. Tăng cường quản lý giá, thị trường, góm phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả, thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán, đồng thời, quản lý và phân phối hiệu quả trong những trường hợp cứu trợ cấp bách.

Đẩy mạnh phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, các sản phẩm bảo hiểm, mở rộng các kênh phân phối bảo hiểm mới, tăng cường kết nối sản phẩm bảo hiểm với các dịch vụ tài chính khác, ngang tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hiện còn một tồn tại là cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và giải ngân vốn ODA; cần được đẩy mạnh trong thời gian tới./.

TTXVN/VNP

Phố núi Đà Lạt kỳ vọng đón 2 triệu lượt khách tham dự Festival hoa

Phố núi Đà Lạt kỳ vọng đón 2 triệu lượt khách tham dự Festival hoa

Đà Lạt đang tích cực chuẩn bị cho Đêm hội khai mạc Festival hoa Đà Lạt lần thứ X năm 2024. Festival hoa Đà Lạt lần thứ X năm 2024 với chủ đề “Bản giao hưởng sắc màu” sẽ khai mạc vào tối 5/12 và kéo dài đến ngày 31/12/2024. Đây là kỳ Festival hoa diễn ra trong thời gian lâu nhất từ trước đến nay với 10 chương trình chính và hàng loạt chương trình hưởng ứng. Ban Tổ chức kỳ vọng Festival lần này sẽ thu hút khoảng 2 triệu du khách, trong đó có 60.000 khách quốc tế đến với Đà Lạt – Lâm Đồng, tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 3.600 tỷ đồng.

Top