Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
|
Tại hội nghị, xác định nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, toàn ngành nông nghiệp xác định nhiệm vụ xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh. Trong đó, ngành sẽ tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Ngành cũng sẽ tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm cấp tỉnh và nhóm sản phẩm OCOP).
Cùng với đó, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường, xuất khẩu, với chuỗi giá trị toàn cầu; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh hàng nông sản.
Nêu ra 3 thách thức của ngành nông nghiệp nước nhà, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đầu tiên là cạnh tranh quyết liệt trong thương mại toàn cầu; trong đó, xu hướng bảo hộ, chiến tranh thương mại có nhiều phức tạp; thứ hai là xảy ra dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi và bệnh sâu keo mùa Thu trên thực vật; thứ ba là biến đổi khí hậu, diễn biến cực đoan của thời tiết như nắng nóng kéo dài bất thường gây hạn, cháy rừng, thiếu hụt lượng mưa lớn gây hạn, mặn cuối năm.
Đánh giá tổng quát kết quả của toàn ngành nông nghiệp năm 2019, Thủ tướng cho rằng vẫn có nhiều điểm sáng, triển khai rộng các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; ngành đã tổ chức nghiêm túc chỉ đạo và thấm đến người dân về Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, đã xoay trục từ sản xuất lúa là chính sang sản xuất thủy sản, cây ăn trái, giúp hiệu quả mang lại cao hơn.
Thành công quan trọng khác chính là việc phát triển thị trường và hình thành các vùng sản xuất lớn gắn với thị trường như các vùng cây ăn trái ở Sơn La, hưng Yên, Bắc Giang, cá tra An Giang... Đặc biệt là nhiều nhà máy chế biến nông sản lớn được hình thành năm 2019. Một số ngành hàng lớn, như chế biến rừng trồng, xuất khẩu gạo, trái cây có thương hiệu và có hiệu quả cao.
Thủ tướng đánh giá cao việc trong năm 2019 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng hành, tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, doanh nghiệp trở thành động lực phát triển nông nghiệp. Đây cũng là năm đánh dấu việc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu, về đích sớm trước một năm rưỡi. Cùng với đó, ngành đã chủ động, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi nên đã đạt hiệu quả tích cực rõ rệt. Công tác phòng chống thiên tai đã được triển khai chủ động, bài bản, số người chết và mất tích giảm còn 130 (năm 2018 là 224 người); thiệt hại về kinh tế khoảng 7.000 tỷ đồng (năm 2017 là 63.000 tỷ đồng)....
Ghi nhận, đánh giá cao những thành công của năm qua, Thủ tướng tặng ngành nông nghiệp 10 chữ: “Chủ động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng, hiệu quả”.
Về những hạn chế cần khắc phục của Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu; sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chủ đạo; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực giảm; tiến độ để giải quyết “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản còn chậm; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt dịch tả lợn châu phi; lao động trong nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao...
Về nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ngành nông nghiệp phải tiếp tục tập trung cơ cấu lại, coi trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; tăng cường khâu chế biến, bảo quản nông sản, sản xuất theo tín hiệu và yêu cầu của thị trường, mở rộng phát triển thị trường. Đây là những khâu đột phá của ngành trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Thủ tướng dẫn chứng về những địa phương mạnh mẽ tái cơ cấu nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đem lại hiệu quả tốt; đồng thời chỉ đạo các địa phương cần “giữ chất lượng và chữ tín trong sản phẩm nông nghiệp”.
Từ định hướng đó, Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp phải tiếp tục tháo gỡ các nút thắt chính sách về đất đai, tín dụng. Trong đó phải sửa Nghị định 57 theo hướng hỗ trợ đầu ra thay vì hỗ trợ đầu vào. Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao công tác dự báo thị trường; hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, thực hiện tốt Nghị quyết 120 của Chính phủ. Đặc biệt là ngành nông nghiệp cần quyết liệt lấy lại thẻ xanh thay cho thẻ vàng hiện nay của EC.
Ngành nông nghiệp cũng cần triển khai hiệu quả chương trình, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, cấm chặt phá rừng tự nhiên và tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng. Cùng với đó là ngành cần chú trọng phát triển sản phẩm dưới tán rừng vốn đang còn yếu.
Trong vấn đề nhân lực của ngành nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng phải tìm ra được những Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực sự giỏi, xác định được định hướng phát triển ngành tại địa phương; tập trung làm kế hoạch trung hạn cho ngành, sát, đúng, hiệu quả thay vì “nóng đâu phủi đó”.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao mục tiêu cho ngành nông nghiệp đến năm 2025. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp trung bình đạt 3-3,5%. Có thêm 5 nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên, để đưa Việt Nam có 15 nhóm mặt hàng nông sản có giá trị xuất 1 tỷ USD trở lên và tổng giá trị xuất khẩu là 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và thứ 10 thế giới. Ngành nông nghiệp phải phấn đấu có 25 nghìn doanh nghiệp trực tiếp đầu tư và nông nghiệp (gấp 2 lần hiện nay); 35 nghìn HTX nông nghiệp (gấp 2,3 lần hiện nay) để làm nòng cốt phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Ngành nông nghiệp phải phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập của người nông dân đạt 80 triệu đồng/năm, tăng gấp 2 lần hiện nay. Mục tiêu cuối cùng của năm 2020 là Hệ số che phủ rừng duy trì mức 42%, trong đó một nửa diện tích là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đảm bảo phát triển bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học; đẩy mạnh thâm canh rừng kinh tế và ngành kinh tế lâm nghiệp; giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản ngoài gỗ đạt 20 tỷ USD./.
TTXVN/VNP