![]()
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
(Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Trong thời gian từ ngày 8-10/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chương trình làm việc với 30 hoạt động, gồm cả đa phương và song phương: dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Nhật Bản; yết kiến Nhà vua Nhật Bản, có các cuộc làm việc với Liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật Bản-Mekong, Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản Keidanren, dự Diễn đàn đầu tư Mekong-Nhật Bản.
Trong chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng đã dự lễ đón chính thức, hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, họp báo chung và chứng kiến ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai bên; gặp gỡ Chủ tịch Hạ viện, Thượng viện; dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam và có 4 cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực bất động sản, cơ sở hạ tầng, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin cùng nhiều cuộc tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Nhật Bản.
Thủ tướng đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Nhật Bản, Thủ tướng nêu bật một số ưu tiên hợp tác trong thời gian tới như thúc đẩy kết nối giao thông, bao gồm phát triển hành lang kinh tế đông tây, hành lang phía Nam, nghiên cứu phát triển cao tốc Vientiane-Hà Nội, giao thông đường thủy giữa Việt Nam-Campuchia; cải thiện kết nối hạ tầng mềm bao gồm cả các quy định thuận lợi thương mại, đầu tư, hải quan; tăng cường kết nối con người đặc biệt thông qua giáo dục, đào tạo nghề; hiện thực hóa tầm nhìn chung về một Mekong xanh với trọng tâm là hợp tác quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp thông minh, bền vững…
Thủ tướng cũng đề xuất nghiên cứu và xây dựng Mạng lưới sáng tạo Mekong-Nhật Bản nhằm tăng cường liên kết, trao đổi giữa các trung tâm nghiên cứu, phát minh sáng chế, trung tâm khởi nghiệp của Nhật Bản và các nước Mekong.
Các đề xuất của Thủ tướng đã được Hội nghị đánh giá cao và phản ánh trong các văn kiện của Hội nghị.
Về các vấn đề quốc tế và khu vực, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ tính cấp thiết của việc bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, kêu gọi tuân thủ Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử (COC) có hiệu lực và hiệu quả.
Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng cùng các nhà lãnh đạo đã quyết định nâng cấp hợp tác giữa các nước Mekong và Nhật Bản lên quan hệ đối tác chiến lược và thông qua Chiến lược Tokyo 2018 cho hợp tác giai đoạn 2019-2021, tập trung vào ba trụ cột chính gồm kết nối sống động và hiệu quả; xã hội lấy người dân làm trung tâm; hiện thực hóa một Mekong xanh.
Những định hướng hợp tác quan trọng của Chiến lược Tokyo 2018 cùng với các chương trình đầu tư hạ tầng được các nhà lãnh đạo kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực và khí thế mới cho hợp tác Mekong-Nhật Bản./.
TTXVN/VNP