Tin tức

Thời điểm đặc biệt, khí thế đặc biệt, nỗ lực đặc biệt và kết quả đặc biệt

Sáng 21/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn Đại biểu Quốc hội Cần Thơ tiếp xúc cử tri là đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội doanh nhân trẻ, Hội nữ doanh nhân và các doanh nghiệp tiêu biểu tại thành phố trước Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV.
  Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ trước Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Dương Giang-TTXVN  
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các cử tri thành phố Cần Thơ. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Cử tri Phạm Thái Bình (Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An) phát biểu ý kiến. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Tại cuộc tiếp xúc cử tri, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã báo cáo với cử tri về dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; thông tin tình hình hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố quý I năm 2025; tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri để tổng hợp, báo cáo, phản ánh đến cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

* Cử tri Cần Thơ kiến nghị nhiều vấn đề nóng

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri thành phố Cần Thơ có nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan các vấn đề “nóng” mang tính thời sự như: Việc thích ứng với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ; phát triển nhà ở xã hội; quản lý thị trường kim hoàn, trong đó có vàng...

Phản ánh sự ảnh hưởng nếu Hoa Kỳ chính thức áp dụng chính sách thuế quan mới đối với hàng hóa Việt Nam, cử tri Lê Thanh Trúc, Phó Giám đốc Hợp tác xã Kim Hưng và cử tri Phan Hoàng Duy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xuất, nhập khẩu thủy sản Cần Thơ có kiến nghị Chính phủ và bộ, ngành Trung ương sớm có giải pháp hỗ trợ, đồng thời xem xét đàm phán với phía đối tác để khôi phục mức thuế như trước đây hoặc phù hợp hơn; sớm có giải pháp chiến lược để đa dạng hóa thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng định hướng chiến lược cụ thể các ngành nghề mũi nhọn cần ưu tiên phát triển...

Cử tri Nguyễn Chí Thảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Cần Thơ phản ánh mặc dù Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm, có nhiều chính sách phát triển nhà ở xã hội, song trên thực tế chưa ngấm sâu vào đời sống xã hội. Do đó, cần xem xét bổ sung thêm các chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động, với mức giá thuê, hoặc mua hợp lý, để đảm bảo việc tổ chức thực hiện được khả thi, đáp ứng thực sự theo khả năng và nhu cầu nhà ở cho người lao động.

Trong khi đó, cử tri Ngô Thị Thảo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý HANAGOLD cho rằng, ngành Kim hoàn hiện nay còn một số mặt bất cập như giá vàng niêm yết không minh bạch, thông tin thị trường rời rạc, chênh lệch mua - bán cao không kiểm soát và thiếu chuẩn chung về giao dịch; ngành Vàng bạc đá quý hiện chưa nằm trong danh sách ưu tiên chuyển đổi số... Do đó, bà Thảo kiến nghị sớm có định hướng để thúc đẩy số hóa ngành Kim hoàn, góp phần tạo ra một thị trường kinh doanh vàng minh bạch, công bằng và hiện đại hơn thời gian tới...

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng tiếp xúc cử tri trong không khí hào hùng, phấn khởi, tự hào cùng cả nước kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; nhấn mạnh cần tiếp tục kế thừa, phát huy tinh thần “thần tốc, táo tạo” trong phát triển đất nước. Chúng ta vừa đồng loạt khởi công 80 công trình, dự án lớn ở cả 3 miền trên cả nước, với tinh thần “thời điểm đặc biệt, khí thế đặc biệt, nỗ lực đặc biệt và kết quả đặc biệt”.

Đánh giá cao ý nghĩa cuộc tiếp xúc cử tri là đại diện các doanh nghiệp; nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm phải chăm lo, ủng hộ, xây dựng cơ chế, chính sách, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Cần Thơ phải tiên phong, tiêu biểu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, phải phát triển mạnh mẽ hơn, dẫn dắt doanh nghiệp cả vùng phát triển.

Thông tin thêm về Kỳ họp thứ 9 sắp tới của Quốc hội khóa XV, Thủ tướng cho biết, Kỳ họp thứ 9 sẽ là kỳ họp nhiều văn bản nhất, quan trọng nhất trong nhiệm kỳ này, thời gian dài với nhiều việc lớn. Theo đó, Quốc hội sẽ tiến hành sửa đổi Hiến pháp, các luật liên quan để sắp xếp bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng tinh gọn mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, sát dân, gần dân hơn, chuyển từ trạng thái thụ động giải quyết công việc sang trạng thái chủ động phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, sửa đổi nhiều luật để tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, nút thắt thể chế, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, huy động mọi nguồn lực để phát triển đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Đồng thời, Quốc hội sẽ quyết định nhiều cơ chế, chính sách quan trọng liên quan trung tâm tài chính quốc tế, hội nhập, phát triển kinh tế tư nhân, nhà ở xã hội… và tăng cường giám sát tối cao.

Trao đổi, giải đáp về các vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ngay sau khi Tổng thống Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan mới, cùng với các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phản ứng kịp thời, tổ chức nhiều cuộc họp, đồng thời gặp gỡ, tiếp xúc với phía Hoa Kỳ thúc đẩy quan hệ thương mại công bằng, bền vững với Hoa Kỳ.

Cùng với đó, tiếp tục điều hành chính sách vĩ mô, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy tăng trưởng, trong đó tận dụng, khai thác hiệu quả 17 hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết; mở rộng thị trường và tìm kiếm, mở rộng các thị trường mới; cơ cấu lại, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng; khuyến khích tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, nghiên cứu có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi chính sách thuế của Hoa Kỳ.

Về xây dựng nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ cho biết đã chỉ đạo 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng thúc đẩy Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, trong đó có những giải pháp mang tính đột phá, đề xuất một số cơ chế thí điểm, như chỉ định thầu, xây nhà bằng cấu kiện lắp ghép sản xuất hàng loạt, cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính trong năm 2025… Ngoài ra, Chính phủ cũng thường xuyên chỉ đạo, thúc đẩy chương trình xóa nhà tạm, dột nát trên phạm vi cả nước; xây dựng Quỹ nhà ở quốc gia... nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho người dân.

Về quản lý thị trường kim hoàn, đặc biệt là về quản lý vàng, Chính phủ đang sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP về hoạt động kinh doanh vàng; đồng thời Thủ tướng đã giao Bộ Công an điều tra, xử lý các hành vi buôn lậu, đầu cơ, găm hàng, đội giá, trốn thuế... nhằm phát triển thị trường vàng lành mạnh, minh bạch, bền vững...

Đối với các vấn đề khác được cử tri quan tâm, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành tiếp tục tổng hợp, giải trình, tiếp thu và giải quyết những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, đồng bào, cử tri; tinh thần là nội dung thuộc thẩm quyền của cấp, ngành nào thì cấp, ngành ấy phải giải quyết và phải giải quyết thấu đáo. Đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền, UBND thành phố Cần Thơ tổng hợp, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết theo quy định. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

* Quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025

Dành thời gian thông tin tới cử tri Cần Thơ về tình hình kinh tế - xã hội đất nước, Thủ tướng cho biết, bối cảnh, tình hình những năm qua và gần đây có thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức luôn nhiều hơn, song vẫn chưa bằng những khó khăn, thách thức mà dân tộc ta đã vượt qua trước đây trong lịch sử.

Thủ tướng cho biết trong những tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2025 đạt được kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2024 trên hầu hết các lĩnh vực.

Trong đó, tăng trưởng kinh tế cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2020 đến nay; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Xuất, nhập khẩu đạt trên 202 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ, xuất siêu 3,16 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước trên 721 nghìn tỷ đồng, đạt 36,7% dự toán năm, tăng 29,3% so với cùng kỳ. Thu hút FDI đạt 10,98 tỷ USD, tăng 34,7%; vốn FDI thực hiện đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% (cao nhất so với quý I trong 5 năm qua). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9%. Khách quốc tế đạt trên 6 triệu lượt, tăng 29,6%.

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2025 tăng 8 bậc, xếp thứ 46, chỉ đứng sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á. Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam.

Thẳng thắng nêu những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, cũng như các bài học quan trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết để thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong thời gian tới, Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương thực hiện việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm hoạt động thông suốt; tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp; xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Chuẩn bị tốt phục vụ các ngày lễ lớn, tri ân những người có công, giáo dục truyền thống, khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, nhất là trong thế hệ trẻ, tạo khí thế, động lực mới phát triển đất nước; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng đạt 8% trở lên và chuẩn bị tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; tập trung triển khai Nghị quyết 57 và 59 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế trong tình hình mới; đồng thời rà soát, tháo gỡ các dự án khó khăn, giải quyết các dự án kéo dài, lãng phí, trong đó có một số dự án trên địa bàn Cần Thơ.

Cùng với đó, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, chăm lo cho những người yếu thế, khó khăn; triển khai quyết liệt phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” và đẩy mạnh thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Làm tốt hơn nữa công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, đẩy mạnh truyền thông chính sách; báo chí cần tăng cường thông tin phân tích, tìm ra nguyên nhân, đề xuất giải pháp chứ không chỉ phản ánh tình hình; từ đó tạo khí thế, động lực, niềm tin cho người dân.

Với Cần Thơ, Thủ tướng biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố đã góp tích cực, hiệu quả vào thành tựu chung của cả nước; đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, làm tốt hơn thời gian tới.

Ngoài các nhiệm vụ chung của cả nước, Thủ tướng mong muốn và đề nghị thành phố không ngừng đoàn kết, thống nhất; xác định công việc có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa, nhất là thực hiện 3 đột phá chiến lược, đầu tư công, phát triển hệ thống hạ tầng thông thoáng trong tổng thể khu vực Đồng bằng sông Cửu Long;  phối hợp, kết nối chặt chẽ với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long để cùng phát triển; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chăm lo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ.

Đặc biệt, phát huy hiệu quả hơn nữa cơ chế, chính sách đặc thù theo nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội; tái cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, nhất là dịch vụ y tế, giáo dục; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng để thúc đẩy xuất khẩu. Đồng thời, cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền; ứng phó ngập lụt; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; chú trọng xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội./.

Báo ảnh Việt Nam/ TTXVN


Top