Cũng như nhiều thanh niên ở các tỉnh lẻ, anh Nguyễn Xuân Sơn (quê tỉnh Quảng Ngãi) đã chọn Tp. Hồ Chí Minh làm nơi tiến thân, lập nghiệp. Năm 2007, Sơn rời xa quê nhà lên Tp. Hồ Chí Minh học đại học. Tốt nghiệp ra trường anh chọn Thủ Đức làm quê hương thứ hai để sinh sống từ đó cho đến nay.
Hơn 15 năm gắn bó với Thủ Đức, Sơn đã chứng kiến biết bao sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất này kể từ khi nó còn là một quận vùng ven cho đến khi trở thành “thành phố trong thành phố” đầu tiên của Tp. Hồ Chí Minh và của cả nước. Trong chặng đường phát triển ấy Sơn ấn tượng nhất là sự thay đổi lớn về bộ mặt đô thị của Thủ Đức.
Sơn tâm sự: “Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Làng Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh (phường Linh Trung, Tp. Thủ Đức) thấy nơi đây có rất nhiều khu nhà trọ sập xệ với giá thuê rẻ, dành cho sinh viên, lao động phổ thông. Cả Làng Đại học lúc ấy chỉ có vài dự án, công trình mới đang xây dựng, còn lại đa phần là nhà cấp 4, một vài khu chợ dân sinh tự phát, đường sá nhỏ hẹp. Vậy mà giờ đây, Làng Đại học đã trở thành một trung tâm đào tạo khoa học - công nghệ hàng đầu của Tp. Hồ Chí Minh với đầy đủ các yếu tố hiện đại về mỹ quan đô thị, cơ sở hạ tầng và dịch vụ thiết yếu. Thế hệ học sinh, sinh viên hiện tại có lẽ đang rất hài lòng và hạnh phúc khi được học tập trong một môi trường tốt như thế này”.
Thủ Đức là thành phố trẻ sở hữu nhiều thế mạnh đặc thù và nổi trội về vị trí địa lí cũng như nền tảng cơ sở hạ tầng. Theo đó, Thủ Đức là cửa ngõ phía Đông của Tp. Hồ Chí Minh, tiếp giáp với các tỉnh miền Đông Nam Bộ với hệ thống giao thông đang ngày càng được đầu tư phát triển đồng bộ, thuận lợi để kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận như: tuyến metro số 1 từ Khu du lịch Suối Tiên đến Bến Thành (Quận 1) sẽ đi vào hoạt động trong tương lai gần; tuyến đường Vành đai 3 (Mỹ Phước - Tân Vạn - Nhơn Trạch); tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1K; xa lộ Hà Nội kết nối vào trung tâm Quận 1, xa lộ Phạm Văn Đồng kết nối đến sân bay Tân Sơn Nhất, quận Bình Thạnh, Gò Vấp, và các tuyến giao thông đường thủy trên sông Sài Gòn - sông Đồng Nai… Đồng thời, đây còn là khu vực đặc biệt thuận lợi để phát triển ngành hậu cần logistics phân phối vận chuyển hàng hóa bằng cách kết nối luồng vận chuyển đa phương thức, trong đó cảng Cát Lái (phường Cát Lái) với quy mô 160 ha bãi, 2.040m cầu tàu, hiện nay là cảng lớn và hiện đại nhất Việt Nam.
Khi được hỏi về mong muốn của mình về sự phát triển của thành phố Thủ Đức trong tương lai gần, Sơn thẳng thắn bày tỏ rất mong muốn Thủ Đức sẽ sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động tuyến tàu điện Metro số 1 - tuyến đường sắt đô thị hiện đại đầu tiên của Tp. Hồ Chí Minh - để góp phần thay đổi, cải thiện diện mạo hệ thống giao thông thành phố.
Có lẽ điều mong muốn của Sơn cũng là tinh thần chung của nhiều người dân đang sinh sống và làm việc tại Thủ Đức. Họ kì vọng Thủ Đức sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, xứng tầm với tiềm năng, nội lực vốn có của địa phương, hướng đến một đô thị hiện đại, đa trung tâm, và trên hết là một đô thị đáng sống./.