Tin tức

Thành phố Hồ Chí Minh lọt Top điểm đến đầu tư khách sạn ở Châu Á Thái Bình Dương

Du lịch TPHCM phát triển thúc đẩy thị trường khách sạn cũng tăng trưởng khả quan - Ảnh minh họa: Shutterstock
Tập đoàn quản lý đầu tư và tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang LaSalle (JLL) vừa công bố danh sách bầu chọn Top 26 điểm đến đầu tư khách sạn tại Châu Á Thái Bình Dương tính đến cuối tháng 3/2017.

Theo JLL, năm 2016, khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đạt mức kỷ lục hơn 5,2 triệu lượt người, tăng trưởng 10,6%, vượt mức 8,5% theo kỳ vọng của chính phủ. Từ năm 2011 đến 2016, lượng khách quốc tế đến TPHCM luôn đạt mức tăng trưởng hàng năm là 10,9%.

Sự phát triển khả quan này có được nhờ nỗ lực của TP.HCM trong việc đầu tư tổ chức các chương trình lễ hội (với trọng tâm là văn hóa và du lịch sinh thái), tham dự nhiều hơn các sự kiệu du lịch, biểu diễn lưu động ở ngoài nước để quảng bá hình ảnh thành phố.

Các thị trường khách quốc tế đến TP.HCM lớn nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Hiện tại, thành phố đang tích cực quảng bá du lịch tại Nhật Bản, đồng thời định hướng mở rộng thu hút khách du lịch từ các thị trường mới đầy tiềm năng là Nga và Ấn Độ. Còn với thị trường khách nội địa, trong năm 2016, TP.HCM đã đón hơn 21,6 triệu lượt và hướng tới mục tiêu đón 24 triệu lượt trong năm 2017.

Lượng khách quốc tế đến TP.HCM tăng mạnh lẽ dĩ nhiên sẽ thúc đẩy hệ thống cơ sở lưu trú du lịch phát triển sôi động. Năm 2016, có 703 phòng khách sạn mới được đưa vào sử dụng. JLL dự báo trong năm 2017, TPHCM sẽ có thêm khoảng 1.000 phòng khách sạn mới. Và tới năm 2020, khi TP.HCM trở thành điểm đến du lịch quốc tế thì sẽ xuất hiện thêm khoảng 3.500 phòng khách sạn mới.

Theo thông tin từ Sở Du lịch TP.HCM, tính đến tháng 2/2017, thành phố có 1.926 khách sạn được xếp hạng sao với 48.182 phòng, số còn lại là căn hộ du lịch và nhà nghỉ du lịch. Trong đó, có 116 khách sạn 3-5 sao với 14.641 phòng. Công suất phòng của khách sạn 3-5 sao bình quân đạt khoảng 70%.

Còn theo JLL, tính gộp cả các khách sạn có thương hiệu quốc tế và nội địa thì số phòng ở phân khúc cao cấp của TP.HCM chiếm khoảng 35,4%, ở phân khúc tầm trung là 27,8%.

Trong giai đoạn từ 2017-2020, JLL dự đoán TP.HCM sẽ tập trung phát triển phòng hạng sang (48,4%) và phân khúc phòng cao cấp (42,4%). Hai khách sạn nổi bật nhất tại TPHCM năm 2016 được JLL gọi tên là ibis Saigon Airport (quận Tân Bình) và Bay Hotel Ho Chi Minh (quận 1).

Cũng theo tính toán của JLL, nếu như mức chi tiêu của khách quốc tế ở TP.HCM mỗi ngày trung bình vào khoảng 117 USD, thì doanh thu trung bình của một phòng khách đạt được lên tới 89 USD.

Với chiến lược phát triển du lịch tới năm 2030 bằng cách tập trung nâng cấp các bảo tàng, xây dựng công viên sinh thái, làng văn hóa du lịch, cải thiện các địa điểm du lịch hấp dẫn và an toàn, TP.HCM hứa hẹn sẽ nhanh chóng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn nhất châu Á Thái Bình Dương.

Ngành kinh doanh khách sạn nhờ vậy cũng được đà tăng trưởng "nóng". Bằng chứng là hàng loạt các thương vụ giao dịch đã diễn ra trong năm 2016 như công ty Saigon Boulevard Holdings Pte (Singapore) mua lại khách sạn 5 sao Intercontinental Asiana thuộc khu phức hợp Kumho Asiana Plaza Saigon,

khách sạn Duxton Hotel Saigon được chuyển nhượng và đổi tên thành Saigon Prince... Những tên tuổi khách sạn quốc tế như Accor, IHG, Marriott, Hilton và Starwood cũng đang nhắm tới TP.HCM như một thị trường rất tiềm năng.

Trong danh sách Top 26 điểm đến đầu tư khách sạn tại Châu Á Thái Bình Dương của JLL, ngoài TPHCM thì Việt Nam còn có thêm một đại diện là thủ đô Hà Nội./.
 
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

 

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh trống khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh trống khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3

Lễ Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3, năm 2024 với các thông điệp: "Sách hay cần bạn đọc"; "Sách quý tặng bạn"; "Tặng sách hay - Mua sách thật"; "Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe" đã khai mạc tối 17/4, tại khu vực Hồ Văn thuộc quần thể di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội). Sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức.

Top