Tin tức

Thành phố Hồ Chí Minh: Dấu ấn và kỳ vọng những động lực mới

Thành phố Hồ Chí Minh bước vào năm 2023 mang theo rất nhiều kỳ vọng của sự phát triển đột phá, bền vững hơn với những tiền đề là dấu ấn của nhiều thành tích nổi bật trong năm 2022 đã đạt được cũng như những động lực mới về cơ chế, chính sách đã và đang được hoàn thiện, triển khai.
  Đường Phan Đình Phùng (phường 2, quận Phú Nhuận) rực rỡ sắc cờ Đỏ. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
*Nhiều dấu ấn
 
Được xem là năm tập trung khôi phục các hậu quả để lại của cơn đại dịch COVID-19 càn quét qua thành phố trong các năm 2020 và 2021, trong năm 2022 Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được kết quả nhanh hơn kỳ vọng. Đó là đà tăng trưởng đã trở lại như giai đoạn trước dịch, các hoạt động kinh tế - văn hóa – xã hội đã khôi phục, trở lại trạng thái bình thường.
 
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, kinh tế - xã hội Thành phố năm 2022 phục hồi nhanh, đồng bộ và khá toàn diện; đã triển khai thực hiện hiệu quả giai đoạn 1 Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố; dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, hệ thống y tế cơ sở được quan tâm củng cố, các biện pháp y tế chiến lược được tăng cường.
 
Cụ thể, quy mô, tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực cơ bản đạt trạng thái trước khi có dịch COVID-19. Tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) ước tăng 9,03% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 2022 là 6-6,5%); thu ngân sách ước đạt 472.000 tỷ đồng, đạt 122% dự toán được giao và tăng 23,6% so với cùng kỳ, đóng góp khoảng 26,5% tổng thu ngân sách cả nước; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66,2 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021 (năm 2021 so với năm trước giảm 1,0% tăng 12,95).
 
Cùng với đó, các dự án, công trình trọng điểm được triển khai theo đúng kế hoạch, Thành phố đã khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 (cầu Ba Son), hoàn thành các thủ tục khởi công dự án Vành đai 3 và nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng. Các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Công tác đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và giải quyết việc làm đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác đối ngoại tiếp tục đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
 
Trong năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành tổng kết Nghị quyết số 16 và đến ngày 30/12/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề xuất trình và được Quốc hội cho phép Thành phố kéo dài việc thực hiện Nghị quyết số 54 đến khi có nghị quyết mới; xây dựng dự thảo Nghị quyết mới thay thế, dự kiến trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết mới để trình Quốc hội tại kỳ họp giữa năm năm 2023.
 
Nghị quyết số 31 lần này thể hiện những tinh thần mới, nội dụng mới thể hiện rõ nhận thức, tầm nhìn và tư tưởng chỉ đạo, Bộ Chính trị nêu rõ: Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững. Thành phố phải tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, có sức lan toả, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và Châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
 

Phấn khởi về những kết quả đạt được trong thích ứng phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế xã hội năm 2022, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố cũng tự nhìn nhận vẫn còn những hạn chế, tồn tại, khó khăn và thách thức; chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển của thành phố, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại so với giai đoạn trước; năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp; môi trường đầu tư chậm cải thiện, liên kết Vùng chưa đạt kết quả thực chất, vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước có mặt giảm sút; chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người không đạt. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước có mặt còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, chưa đạt yêu cầu đề ra...

  Xếp dỡ container tại Cảng Phước Long ICD. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN 

*Kỳ vọng vào những động lực mới

Với những tiền đề cơ bản đạt được trong năm 2022 cùng với những động lực mới về chủ trương, chính sách và cơ chế đã và đang được hoàn thiện, đặc biệt là Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị đươc ban hành vào những ngày cuối cùng của năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh bước vào năm 2023 với những tâm thế mới, tự tin hoàn thành các mục tiêu đề ra.
 
Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, dự báo tình hình sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Đảng bộ, chính quyền thành phố chủ động, thích ứng hơn nữa, phát huy cao độ tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không trông chờ, ỷ lại; tập trung tháo gỡ vướng mắc, chia sẻ khó khăn, khơi thông các nguồn lực, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy ý chí, nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.
 
Thành phố Hồ Chí Minh xác chủ đề năm 2023: “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội” với 17 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó đề ra mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 7,5% - 8%.
 
Là đơn vị hoàn thành mục tiêu thu ngân sách trước 2 tháng trong năm 2022, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Trong năm 2023, ngành Hải quan thành phố đặc biệt tập trung công tác cải cách hành chính, phát triển, hiện đại hoá hải quan, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ. Cụ thể, ngành hải quan đẩy mạnh xử lý, hồ sơ công việc trên môi trường mạng, tăng cường kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu giữa Hải quan và các bên có liên quan nhằm giảm thời gian thông quan, giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, xây dựng và triển khai quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, nhanh chóng phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
 
Dưới góc độ chung của thành phố, ông Phan Văn Mãi cho biết: Thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển, quyết tâm hoàn thành kế hoạch đầu tư công; tăng cường quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước; khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, bổ sung vốn cho đầu tư chỉnh trang đô thị, xây dựng nhà ở xã hội, cải thiện môi trường. Nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường lao động, bất động sản, gắn với phát triển thị trường khoa học, công nghệ.
Thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện, đưa vào sử dụng các dự án kết cấu hạ tầng trọng yếu, nhất là dự án đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1); khẩn trương triển khai thực hiện dự án đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương), đường Vành đai 3, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, Rạch Xuyên Tâm...
 
Cùng với đó, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giải quyết những vấn đề quan trọng cấp bách của thành phố, trước hết là đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn chỉnh 3 quy hoạch: Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040; Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và Chiến lược quản lý phát triển hành lang Sông Sài Gòn.
 
Về phương hướng phát triển dài hơi hơn, tại hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 31 vừa qua, đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư lưu ý Thành phố Hồ Chí Minh, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 31 phải gắn kết chặt chẽ với thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố. Đồng thời, Thành phố cần tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; phát triển đô thị bền vững, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, xứng tầm với Thành phố mang tên Bác kính yêu.
 
Với truyền thống cách mạng, anh hùng, vẻ vang, tự hào là Thành phố mang tên Lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Thưởng tin tưởng: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng, đổi mới mạnh mẽ để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 31; phát huy tốt hơn nữa vai trò đầu tàu, động lực phát triển đối với vùng Đông Nam Bộ./.

Báo ảnh Việt Nam/TTXVN

Sôi nổi Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy dịp Giỗ Tổ Hùng Vương

Sôi nổi Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy dịp Giỗ Tổ Hùng Vương

Ngày 16/4 (tức mùng 8/3 âm lịch), tại sân Trung tâm lễ hội, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hoá - Du lịch Đất Tổ năm 2024 tổ chức Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy năm 2024. Đây là một trong những hoạt động văn hóa có ý nghĩa sâu sắc, mang đậm nét truyền thống của dân tộc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, là dịp để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá rộng rãi những giá trị văn hóa vùng Đất Tổ đến đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Top