Tin tức

Tăng cường kết nối với các cơ quan truyền thông trong bảo vệ Quyền trẻ em

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
Ngày 22/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) cùng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị chia sẻ thông tin và tham vấn báo chí về công tác truyền thông trong lĩnh vực bảo vệ Quyền trẻ em trên địa bàn thành phố năm 2020.

Hội nghị là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị chức năng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh công tác phối hợp nhằm hạn chế tình trạng xâm hại, xâm hại tình dục, góp phần mang lại hiệu quả cao nhất trong công tác bảo vệ Quyền trẻ em.

Theo bà Mai Thị Ngọc Mai, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh, công tác trẻ em của thành phố trong những năm gần đây đạt được những kết quả tích cực ở nhiều mặt; nhận thức của người dân, của cộng đồng và toàn xã hội về Quyền trẻ em ngày một nâng lên; số lượng trẻ em được hưởng các dịch vụ công về giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí ngày một đầy đủ và toàn diện. Phần lớn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp, chăm sóc và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển; sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể thành phố, quận – huyện, xã - phường - thị trấn ngày một hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ Quyền trẻ em của thành phố cũng còn những vấn đề cần quan tâm như: trẻ em lang thang xin ăn, trẻ có nguy cơ lao động sớm; trẻ bị xâm hại, ngược đãi; trẻ vi phạm pháp luật. “Đặc biệt, vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã và đang là những thách thức mà lãnh đạo thành phố cùng các ngành chức năng cần tiếp tục quan tâm, đề ra nhiều kế hoạch, chương trình, mô hình, giải pháp để từng bước góp phần bảo vệ các Quyền của trẻ em ngày một tốt hơn”, bà Mai Thị Ngọc Mai nhấn mạnh.

Để hạn chế xảy ra tình trạng tình trạng xâm hại trẻ, bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết, UBND Thành phố Chí Minh vừa ký Quyết định ban hành Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn thành phố ngay sau Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ Thị 23 về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.

Theo đó, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều phải có trách nhiệm thông báo ngay cho Ủy ban nhân dân hay Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vụ việc hoặc nơi trẻ em cư trú khi phát hiện hoặc có thông tin về trường hợp trẻ bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục; hoặc qua Tổng đài tư vấn và hỗ trợ trẻ em 111, 113, 1900.54.55.59; 1800.90.69, cơ quan lao động - thương binh và xã hội các cấp.

Quyết định cũng nên rõ việc hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục phải đảm bảo tính kịp thời, nhanh chóng, phù hợp, vì quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em. Trong đó, một số nội dung được quy định cụ thể đối tượng tham gia xử lý, thời gian thực hiện cụ thể hoặc ngắn hơn so với quy định pháp luật hiện hành”, bà Thanh nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Nghĩa, thành viên Hội Bảo vệ Quyền trẻ em thành phố, cũng đề nghị ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình, trách nhiệm nêu gương của người lớn; giáo dục trẻ em gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; hướng dẫn gia đình các biện pháp khắc phục, phòng, chống tình trạng cha mẹ, người thân xâm hại tính mạng, sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm của trẻ em; trang bị kiến thức, kỹ năng thực hiện trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng đã đến lúc ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần ưu tiên xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em cấp xã, nhất là các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời, cần phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; nhất là trẻ em làm việc quá giờ trong các hoạt động tổ chức biểu diễn, game show truyền hình…

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao vai trò của báo chí, nêu rõ rằng cần tăng cường công tác truyền thông về bảo vệ Quyền trẻ em trong toàn xã hội, nhất là trong học đường và trong nam giới. Nhiều đại biểu cũng cho rằng hoạt động bảo vệ Quyền trẻ em không thể tách rời hoạt động truyền thông; tuy nhiên, truyền thông cũng cần hiểu rõ, hiểu đúng từng vụ việc để tránh bị lệch hướng, làm sai lệch các mục tiêu và giá trị cốt lõi của việc bảo vệ Quyền trẻ em.

Ông Trần Công Bình, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam, cho rằng việc kết nối giữa các cơ quan truyền thông với các cơ quan, đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ Quyền trẻ em là một trong những yếu tố hết sức quan trọng. Sự kết hợp này không chỉ góp phần đảm bảo sự thành công trong các chương trình, kế hoạch, mục tiêu bảo vệ Quyền trẻ em mà còn giúp cho công tác bảo vệ Quyền trẻ em thật sự hiệu quả và có ý nghĩa…./.

TTXVN/VNP

Về Lại Đà - Nơi bình dị yêu thương

Về Lại Đà - Nơi bình dị yêu thương!

“Tôi đã khóc, không chỉ là nỗi tiếc thương trước sự mất mát của đất nước, của dân tộc Việt Nam, mà còn là những giọt nước mắt hạnh phúc trước tình cảm sâu đậm của người dân thôn Lại Đà dành cho chúng tôi. Họ đã thay mặt người con ưu tú vừa nằm xuống đáp lại tình cảm của những người dân về đây dự lễ viếng”, chị Lương Ngọc Hà, dân tộc Tày, ở tỉnh Lào Cai rưng rưng cho biết.

Top