Tin tức
Số F0 vượt trên 2.000 ca/ngày, nhiều quận, huyện ở Hà Nội siết chặt hoạt động để phòng, chống dịch
Nhiều cửa hàng kinh doanh không thiết yếu trên phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) tạm ngừng kinh doanh. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN |
Các quận, huyện ghi nhận nhiều ca F0 trong ngày như: Hoàng Mai có 218 ca; Thanh Xuân có 148 ca; Thanh Trì có 130 ca; Đống Đa có 128 ca; Nam Từ Liêm có 125 ca…
Bệnh nhân phân bố tại 367 xã, phường, thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện, thị xã; trong đó, 366 ca cộng đồng ghi nhận tại 146 xã phường thuộc 26/30 quận huyện.
Một số quận, huyện nhiều bệnh nhân tại cộng đồng như: Thanh Xuân,Thanh Trì, Long Biên.
Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021 đến 3/1/2022) là 54.831 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 17.944 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 36.887 ca.
Trước đó, tối 31/12, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Thông báo số 865/TB-UBND về đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Hiện thành phố vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng) trong phòng, chống dịch COVID-19 như cách đây hơn một tuần; có 2 huyện ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp, tương ứng với màu xanh); 18 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2 (giảm 3 quận, huyện) và 10 quận, huyện ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, tương ứng với màu cam), tăng 2 huyện. Về cấp xã, phường, có 190 địa phương ở cấp độ 1 (giảm 206 xã, phường); 278 địa phương ở cấp độ 2 (tăng 162 xã, phường); 111 địa phương ở cấp độ 3 (tăng 44 xã, phường) và không có địa bàn nào ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ).
Ngay sau đó, các địa phương đã có văn bản điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng cấp độ 3 để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Trong đó, huyện Gia Lâm được đánh giá vùng cam đã siết chặt nhiều hoạt động phòng, chống dịch từ 12 giờ ngày 2/1. Huyện không tổ chức các hoạt động hội họp, không tổ chức liên hoan cuối năm, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán hàng mang về và đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày. Huyện tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết, không tụ tập ăn uống và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.
Được xác định dịch ở cấp độ 2, quận Đống Đa đã lập tức điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng kể từ 6 giờ ngày 1/1, cho phép hàng quán được bán hàng tại chỗ trở lại.
Trước đó, từ 12 giờ ngày 19/12, quận Hai Bà Trưng dừng các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời; hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết; khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin. Các đơn vị căn cứ số lượng công việc và mức độ lây lan dịch bệnh để tổ chức phương án làm việc phù hợp, khuyến khích các đơn vị tổ chức cho cán bộ, công chức, người lao động làm việc luân phiên.
Từ 12 giờ ngày 26/12, quận Hoàn Kiếm đã tạm dừng các hoạt động, dịch vụ không thiết yếu. Hạn chế hoạt động sự kiện tập trung đông người, chỉ tổ chức khi được UBND quận phê duyệt phương án phòng, chống dịch.
Từ 12 giờ ngày 26/12, quận Ba Đình yêu cầu các hoạt động thể dục, thể thao trong nhà và ngoài trời hoạt động theo quy định ở mức độ hạn chế, đảm bảo giãn cách, chỉ tập trung dưới 20 người trong cùng một thời điểm; khuyến khích các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng hoạt động trực tuyến; đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Các hộ gia đình, khu chung cư, khu thuê trọ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ dân sinh thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế. Quận cũng hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết; tăng cường hình thức họp trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc.
Từ 12 giờ ngày 26/12, quận Tây Hồ không tổ chức các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; tạm dừng tất cả hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng. Quận ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế, quản lý đi lại của người dân, cập nhật thông tin về tiêm chủng vaccine, kết quả xét nghiệm COVID-19, kết quả điều trị COVID-19 lên nền tảng dữ liệu quốc gia.
Từ 12 giờ ngày 27/12, quận Hoàng Mai, hạn chế các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; tạm dừng các hoạt động, dịch vụ không thiết yếu, hạn chế hoạt động sự kiện tập trung đông người; cấm hoạt động kinh doanh buôn bán tại các chợ cóc, chợ tạm.
Từ 18 giờ ngày 26/12, quận Nam Từ Liêm không tổ chức các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.
Từ 6 giờ ngày 26/12, quận Long Biên hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người ngoài trời bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, nhất là trong dịp cuối năm, Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đám tang, đám cưới... UBND quận đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang, lo lắng.
Người dân tiếp tục nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng; chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Người cao tuổi, người có bệnh nền, người có nguy cơ cao được khuyến cáo hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người khi không cần thiết./.
TTXVN/VNP