Theo bài viết, sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam không chỉ được ghi nhận trong lĩnh vực công nghiệp mà còn trong nhiều ngành khác. Việt Nam đã khẳng định vị thế trong các lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm Công nghiệp 4.0, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và hydro, đồng thời đang thu hút vốn quốc tế. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm ngoái đạt 36,6 tỷ USD.
Trong Chỉ số Tự do Kinh tế năm 2024, Quỹ Heritage nhận định Việt Nam là một trong những ngôi sao đang lên, đi ngược lại xu hướng toàn cầu. Ông Oliver Massmann, công ty luật Duane Morris LLC của Mỹ chi nhánh tại Việt Nam, ghi nhận những bước tiến của Việt Nam trong việc tăng cường pháp quyền, ví dụ như việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với các biện pháp bảo vệ tốt hơn nhằm chống hành vi biển thủ và đưa ra các yêu cầu cụ thể hơn đối với những ngân hàng đang gặp khủng hoảng.
Theo ông Massmann, một điểm tích cực nữa là Việt Nam đã đưa ra các cam kết mở cửa thị trường và tăng cường sự ổn định về mặt pháp lý cho các nhà đầu tư theo các hiệp định thương mại tự do và hiệp định bảo hộ đầu tư.
Quỹ Heritage cũng nhấn mạnh những điểm tích cực về mức thuế và nợ công: “Mức thuế thu nhập cá nhân cao nhất là 35% và mức thuế doanh nghiệp cao nhất là 20%. Gánh nặng thuế tương đương 18,2% GDP. Chi tiêu chính phủ và cân bằng ngân sách trung bình trong 3 năm lần lượt là 20,1% và -1,3% GDP. Nợ công ở mức 35,3% GDP”./.