Tin tức

Quảng Nam đón bằng công nhận của UNESCO vinh danh nghệ thuật Bài chòi

Biểu diễn bài Chòi ở phố cổ Hội An. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Tối 7/5, tại thành phố Hội An, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An tổ chức Lễ đón Bằng UNESCO công nhận "Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. 

Ngày 7/12/2017, tại phiên họp lần thứ 12, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc. Tại đây, Di sản "Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam" đã chính thức được UNESCO ghi danh trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Đây là sự kiện quan trọng không chỉ riêng đối với các tỉnh miền Trung có các đội nghệ thuật hát bài chòi hoạt động, mà còn góp phần khẳng định bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của dân tộc Việt Nam; cũng như thể hiện các cam kết của Việt Nam đối với công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, nghệ thuật của nhân loại. 

Đối với Hội An, nơi nghệ thuật bài chòi đang trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân địa phương; đồng thời là loại hình nghệ thuật độc đáo được người Hội An giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế, sự kiện này càng có ý nghĩa hơn trong việc tôn vinh những giá trị truyền thống được chính quyền và nhân dân đang cố gắng giữ gìn và phát huy. 

Lễ đón Bằng do tổ chức UNESCO công nhận "Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại với nhiều hoạt động hấp dẫn như diễu hành rước Bằng công nhận trong Khu phố cổ với sự tham gia của các nghệ nhân, diễn viên từ các đoàn nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh, biểu diễn ca cảnh, dân ca bài chòi, hội chơi bài chòi, thu hút hàng vạn người dân địa phương và du khách, góp phần quảng bá thương hiệu du lịch văn hóa tại Hội An (Quảng Nam) đến với du khách trong nước và quốc tế./.

TTXVN/VNP

Về Lại Đà - Nơi bình dị yêu thương

Về Lại Đà - Nơi bình dị yêu thương!

“Tôi đã khóc, không chỉ là nỗi tiếc thương trước sự mất mát của đất nước, của dân tộc Việt Nam, mà còn là những giọt nước mắt hạnh phúc trước tình cảm sâu đậm của người dân thôn Lại Đà dành cho chúng tôi. Họ đã thay mặt người con ưu tú vừa nằm xuống đáp lại tình cảm của những người dân về đây dự lễ viếng”, chị Lương Ngọc Hà, dân tộc Tày, ở tỉnh Lào Cai rưng rưng cho biết.

Top