Tin tức

Quan tâm tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Campuchia

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, chiều 14/2, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Campuchia tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp tại Campuchia năm 2023, thu hút đông đảo đại biểu đại diện các doanh nghiệp Việt Nam đến tham dự, trao đổi và đề đạt nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại địa bàn.
  Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh Nguyễn Hùng- TTXVN
Phát biểu khai mạc hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Huy Tăng bày tỏ vui mừng được chào đón đại diện các công ty, doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư kinh doanh tại Campuchia đến gặp mặt, trao đổi tại trụ sở Đại sứ quán; đồng thời nhấn mạnh mục đích ý nghĩa của hội nghị lần này nhằm kịp thời phổ biến thông tin về tình hình Campuchia, quan hệ hợp tác Việt Nam-Campuchia trong năm 2022 và dự báo triển vọng hợp tác năm 2023; cập nhật thông tin liên quan các chủ trương, chính sách mới về thương mại, đầu tư, cũng như tình hình kinh tế và triển vọng đầu tư, kinh doanh ở nước sở tại. Đại sứ Nguyễn Huy Tăng cũng đề nghị lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn trình bày những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, nêu lên những kiến nghị, đề xuất với các cơ quan chức năng của chính phủ hai nước.
   Theo Đại sứ Nguyễn Huy Tăng, năm 2022 vừa qua là năm có nhiều hoạt động ngoại giao cấp cao giữa hai nước nhân kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia (24/6/1967-24/6/2022) và Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam, đặc biệt là việc tổ chức thành công Diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam-Campuchia năm 2022 nhân chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và cuộc gặp, làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam đang đầu tư tại Campuchia, cùng diễn ra trong tháng 11/2022. 
   Đại sứ Nguyễn Huy Tăng cho rằng, tuy bối cảnh tình hình năm 2022 vẫn còn nhiều thách thức nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục đứng vững, vượt qua thách thức, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước. Đại sứ đánh giá cao những nỗ lực của các doanh nghiệp và bày tỏ tin tưởng trong năm 2023 này, với việc đại dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, Campuchia tiếp tục mở cửa mạnh mẽ trở lại và chú trọng khôi phục, phát triển nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có một năm Quý Mão 2023 kinh doanh, đầu tư thành công tại Campuchia.
   Tại hội nghị, các đơn vị trực thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Campuchia và Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia (VBCC) đã cung cấp những thông tin mới nhất về tình hình phát triển kinh tế, thu hút đầu tư của Campuchia, quan hệ hợp tác Việt Nam-Campuchia trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, hợp tác kinh tế; đồng thời cập nhật những chủ trương, chính sách, văn bản mới của Campuchia liên quan đến chính sách thuế quan, luật lao động, các quy định mới liên quan hoạt động đầu tư, kinh doanh của nước sở tại… cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là những thông tin hết sức hữu ích, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm thông tin cập nhật, làm cơ sở để xây dựng, điều chỉnh, định hình chính sách, chiến lược kinh doanh tại địa bàn một cách hiệu quả, phù hợp.
   Theo đó, thực hiện mục tiêu khôi phục và phát triển nhanh nền kinh tế Campuchia giai đoạn hậu COVID-19, những yếu tố thuận lợi cơ bản trong năm 2022 đã giúp đất nước Campuchia duy trì và phát triển kinh tế với mức tăng trưởng đạt 5,2%, tăng 2,2% so năm 2021. Một số lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế Campuchia như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đã tăng trưởng khả quan trở lại. Trong đó, ngành du lịch ghi nhận chỉ dấu phục hồi ấn tượng với 12 triệu lượt khách nội địa và 2,28 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan du lịch tại các điểm đến ở Campuchia trong năm vừa qua, tăng 1.071% so với cùng kỳ 2021. Lĩnh vực xây dựng cũng hồi phục mạnh mẽ với 3.827 giấy phép xây dựng được cấp với tổng vốn đầu tư khoảng 2,63 tỷ USD. Trong năm 2022, có 10.701 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ở Campuchia, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2021. 
   Trong năm 2022 vừa qua, các hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) giữa Campuchia với các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực đã góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại của quốc gia này với thế giới, giúp lĩnh vực thương mại có bước phát triển đột phá. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữa các nước ASEAN, trong năm 2022, Campuchia đã nỗ lực thu hút FDI đạt 4,68 tỷ USD, tăng 7,5% so với năm 2021.
   Về quan hệ hợp tác kinh tế  Việt Nam-Campuchia, số liệu từ hội nghị cho thấy nếu như năm 2020 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước chỉ tăng 0,84% thì sang năm 2021, ngay trong đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã có bước nhảy vọt, tăng hơn 79%, từ 5,32 tỷ USD lên 9,54 tỷ USD. Đến năm 2022, kim ngạch thương mại song phương tăng gần 11%, lên 10,58 tỷ USD. Điều đó cho thấy, chính trong đại dịch COVID-19, quy mô thương mại Việt Nam-Campuchia có bước tăng trưởng nhảy vọt, được hỗ trợ bởi tính ưu việt của mậu dịch biên giới hai nước trong điều kiện giao thương đường biển bị gián đoán do dịch bệnh.
   Về đầu tư, trong năm 2022, Việt Nam có 12 dự án đầu tư mới sang Campuchia với tổng vốn đăng ký là 7 triệu USD, cùng 5 lượt điều chỉnh tăng vốn của các doanh nghiệp Việt Nam với tổng vốn tăng thêm là 23 triệu USD. Lũy kế đến hết năm 2022, Việt Nam có 205 dự án đầu tư sang Campuchia được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD, đứng thứ hai trong số 79 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài. Hiện Việt Nam là nhà đầu tư lớn thứ 5 và là nhà đầu tư lớn nhất khối ASEAN ở Campuchia. 
   Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam đã nêu nhiều ý kiến đề cập đến một số vướng mắc liên quan hoạt động đầu tư kinh doanh tại địa bàn, đề xuất các cơ quan chức năng liên quan và lãnh đạo hai nước xem xét tháo gỡ, giải quyết. Đại sứ Nguyễn Huy Tăng và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Campuchia cũng tiếp thu, giải đáp một số thắc mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp Việt Nam.
   Ghi nhận ý kiến của đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại địa bàn, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng khẳng định Đại sứ quán sẽ tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, làm cơ sở để tham mưu cho các bộ, ngành chức năng của hai nước xem xét, giải quyết trong khuôn khổ Hội nghị Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Campuchia lần thứ 20 và Hội nghị Hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới lần thứ 12 giữa hai nước trong năm 2023./.

Báo ảnh Việt Nam/TTXVN


Top