Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc xử lý dự án bột giấy Phương Nam phải bám sát kết luận của Bộ Chính trị, các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, đảm bảo trung thực, đầy đủ số liệu thông tin, phản ánh đúng thực tế, khách quan; phương án đề xuất phải bảo đảm khả thi, thu hồi tối đa tài sản, chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng, hiệu quả, công khai, minh bạch, công bằng giữa các bên liên quan, đúng quy định và đúng thẩm quyền.
Sau nghe Bộ Công Thương báo cáo về phương án xử lý đối với dự án, ý kiến phát biểu của đại diện các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến xác đáng của các đại biểu dự họp, cập nhật thêm số liệu, hoàn thiện báo cáo đề xuất phương án khả thi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong 3 tuần tới.
Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam được Thủ tướng Chính phủ giao Công ty Đầu tư phát triển giao thông vận tải làm chủ đầu tư vào tháng 10/2003 với số vốn hơn 1.487 tỷ đồng, quy mô 100.000 tấn bột giấy/năm. Tháng 11/2007, Công ty điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 2.287 tỷ đồng (chủ yếu là nguồn vốn vay, vốn tự có chỉ 21,519 tỷ đồng).
Do chủ đầu tư gặp khó khăn, tháng 6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển giao chủ đầu tư dự án sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO). Tổng công ty này đã điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 3.410 tỷ đồng và tìm các phương án đưa dự án vào hoạt động nhưng nhà máy không vận hành được. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương về việc dừng đầu tư dự án, xây dựng phương án xử lý như thanh lý, nhượng bán.
Để xử lý dự án, Bộ Công Thương đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai phương án bán đấu giá tài sản, nhưng những năm qua, phương án này không triển khai được do không có nhà đầu tư nào tham gia qua 3 lần tổ chức đấu giá, do giá khởi điểm được định giá không phù hợp với thị trường.
Tại buổi khảo sát hiện trường và làm việc với Bộ Công Thương, các bộ, ngành, cơ quan liên quan về phương án xử lý dự án vào tháng 3 năm nay, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, các phương án của Bộ Công Thương đề xuất chưa rõ nên thời gian qua, việc xử lý vẫn loay hoay, không dứt điểm được.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan bàn thảo, phân tích, tính toán, đề xuất phương án cuối cùng. Phương án đề xuất phải làm rõ các giải pháp về kỹ thuật, tài chính, phân định rõ giữa tài sản và đất, các vấn đề liên quan đến pháp lý, đồng thời phải căn cứ vào thực tế để đề xuất cho Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Đối với việc xử lý dây chuyền, máy móc, trang thiết bị, phải tính toán kỹ lưỡng để đạt hiệu quả cao nhất, không thể bán cả dây chuyền, thì phải tính toán bán từng bộ phận./.