Tin tức

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực

Sau phần trả lời chất vấn của 4 “Tư lệnh” ngành, lĩnh vực, sáng 8/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ đã trả lời chất vấn nhiều vấn đề đại biểu nêu, liên quan đến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường này phát triển an toàn, lành mạnh; giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực; giải pháp tổng thể điều hành giá…
  Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN  

 

* Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là một nguyên nhân dẫn đến tham nhũng

Cho rằng “tham nhũng, tiêu cực là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) nhấn mạnh, một trong những giải pháp cốt lõi để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phải kiểm soát quyền lực, đảm bảo quyền lực được thực thi trong đúng khuôn khổ. Ghi nhận thời gian qua, tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần giữ vững ổn định, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu cho biết, Đảng, Nhà nước ta đã nhiều lần đề cập việc kiểm soát quyền lực, xác định đây là vấn đề cốt lõi để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đại biểu chất vấn Phó Thủ tướng về giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong tổng kết 10 năm thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đã đưa ra 8 bài học kinh nghiệm, trong đó có một bài học kinh nghiệm rất quan trọng là muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả phải kiểm soát được quyền lực. Việc này có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Dẫn ý kiến đại biểu rằng, quyền lực luôn có xu hướng bị tha hóa nếu không kiểm soát và tham nhũng, tiêu cực là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, theo Phó Thủ tướng, kiểm soát quyền lực là một trong những giải pháp căn cơ để phòng, chống tham nhũng. Kiểm soát quyền lực giúp loại bỏ kịp thời những sai phạm, phát hiện và ngăn ngừa, xử lý nghiêm các sai phạm.

Phân tích nguyên nhân sâu xa của tha hóa quyền lực là chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cá nhân dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống - một nguyên nhân dẫn đến tham nhũng - Phó Thủ tướng khẳng định phải kiểm soát quyền lực. Thực tiễn phòng, chống tham nhũng những năm qua cho thấy, phải kiểm soát quyền lực cho được đối với những cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh và yêu cầu là phải thiết lập được cơ chế kiểm soát quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn, “phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế”.

Đề cập đến giải pháp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, phải hoàn thiện cơ chế để thực thi quyền lực nhà nước, xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan quyền lực nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp, tư pháp, lập pháp. Đồng thời, phải tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, truy tố, điều tra, xét xử - những cơ quan thực thi pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng.

“Tăng cường giám sát, kiểm soát thực thi của người có chức vụ, quyền hạn, thực hiện cơ chế tập trung dân chủ, công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm giải trình. Đặc biệt là đối với những người có chức vụ, quyền hạn phải tự soi, tự sửa, tự rèn luyện”, Phó Thủ tướng nói.

Một giải pháp khác được Phó Thủ tướng nêu ra là phải kết hợp chặt chẽ giữa các cơ chế kiểm soát của Đảng, Nhà nước và nhân dân, phát huy vai trò của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể, báo chí, đặc biệt là phát huy vai trò của nhân dân trong việc tiếp cận thông tin, quyền khiếu nại, tố cáo, cũng như phản ánh, kiến nghị của nhân dân theo quy định. Làm được như vậy, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ được thực hiện tốt hơn.

* Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thị trường bất động sản

Tại phiên chất vấn, đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) nêu thực tế, thời gian qua, thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, thanh khoản dòng tiền. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp khủng hoảng. Nhiều doanh nghiệp bất động sản chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu, nhất là trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 là rất lớn, gây bức xúc cho nhiều người dân, làm sụt giảm niềm tin của thị trường và nhà đầu tư. Việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu đạt thấp. Tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội.

“Phó Thủ tướng cho biết trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này. Quan điểm chỉ đạo và những giải pháp căn cơ nào để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường này phát triển an toàn, lành mạnh trong thời gian tới”, đại biểu chất vấn.

Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có những khó khăn, cùng với những khó khăn khác đã ảnh hưởng tới điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động của các doanh nghiệp.

Vướng mắc trong việc xử lý trái phiếu doanh nghiệp có nhiều lý do. Thứ nhất, quản lý khâu luân chuyển, sử dụng dòng tiền trong đòn bẩy tài chính có nhiều vấn đề chưa hợp lý. Thứ hai, một số trường hợp vi phạm, ngành Công an đã điều tra, truy tố. Thị trường trái phiếu hiện nay chưa có sự bền vững về cơ cấu, nghiêng về thị trường rủi ro như bất động sản. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau tác động của dịch cũng khó khăn về mặt tài chính. Do đó, thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ rất khó khăn.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hạn thanh toán tính đến thời điểm 31/12/2022 là khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, trong đó là đáo hạn của của năm 2023 là 290 nghìn tỷ đồng.

Thị trường bất động sản hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, do nhiều nguyên nhân như về pháp lý, về cơ cấu sản phẩm, về năng lực của chủ đầu tư. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập hai tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do hai Phó Thủ tướng làm Tổ trưởng để nghiên cứu, đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đưa ra những giải pháp. Hai tổ công tác này đã có báo cáo. Hiện nay, Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

“Chúng tôi đã kịp thời chỉ đạo hoàn thiện là căn cứ pháp lý để tháo gỡ những vướng mắc cho thị trường hoạt động một cách thông suốt và hiệu quả”, Phó Thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng cho rằng, phải tăng cường kiểm tra, giám sát để các thị trường này công khai, minh bạch; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật, ổn định tâm lý. Chính phủ đã ban hành và sửa đổi nhiều nghị định; trong bất động sản đã chỉ đạo chi tiết, trực tiếp những dự án. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp mặc dù còn khó khăn, nhưng việc cho phép phát hành, thanh toán bằng tài sản hoặc gia hạn thời hạn đáo… đã đem lại những tín hiệu tích cực, giúp ổn định tình hình thị trường.

Theo Phó Thủ tướng, Nhà nước phải có trách nhiệm tham gia, kiểm tra, kiểm soát để thúc đẩy việc thực hiện theo các cam kết, nghĩa vụ, nếu có vi phạm, phải xử lý nghiêm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng như của nhà đầu tư.

* Quan tâm để kiểm soát giá

Trả lời đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) về hoàn thiện thể chế pháp luật để hỗ trợ cho nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem hoàn thiện thể chế là thực hiện một trong ba đột phá chiến lược. Trong nhiệm kỳ này, hằng tháng, Chính phủ họp chuyên đề để bàn về công tác thể chế, làm một cách thận trọng từ khâu đề xuất.

Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp như nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định; thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho những người làm công tác pháp chế. Thậm chí, công tác thẩm định, phản biện và nghe phản biện của dư luận xã hội đối với những quy định pháp luật cũng được Chính phủ rất quan tâm, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và ưu đãi cho những cán bộ làm công tác xây dựng thể chế. Với những giải pháp đó, công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ sẽ góp phần với các cơ quan khác trong hệ thống, đặc biệt là các cơ quan của Quốc hội, thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Về giải ngân vốn đầu tư công, trước ý kiến của đại biểu cho rằng giải ngân chậm, Phó Thủ tướng cho biết, 5 tháng đầu năm giải ngân được 157.000 tỷ đồng, đạt 22,2%. Tỷ lệ giải ngân này bằng xấp xỉ mức giải ngân của các năm trước. Tính về con tuyệt đối, giải ngân nhiều hơn so với cùng kỳ 41.000 tỷ đồng, không phải là chậm. Tuy nhiên, so với kỳ vọng và mong muốn đưa vốn vào nền kinh tế, làm một động lực tăng trưởng để hoàn thành những công trình, dự án, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phải thúc đẩy nhiều hơn. Đây là mức bình quân, nhưng ở các bộ, ngành, địa phương cũng không đồng đều. Những địa phương giải ngân chậm cần phải thúc đẩy trong thời gian tới. 

Về giải pháp tổng thể điều hành giá, theo Phó Thủ tướng, điều hành giá là một nghệ thuật, cần hết sức uyển chuyển trong điều kiện chúng ta điều hành theo kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước.

Trước hết, phải nắm bắt thị trường để có những giải pháp, kịch bản điều hành cho uyển chuyển và đáp ứng được yêu cầu, đạt được mục tiêu Quốc hội giao. Năm 2022, Quốc hội giao 4% CPI, năm 2023 khoảng 4,5%. Đây là mục tiêu tối thượng hàng đầu chúng ta phải tuân thủ.

Thứ hai, muốn giữ được giá phải đáp ứng được quan hệ cung, cầu, nhu cầu đặt ra, cung phải đáp ứng. Vấn đề này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, lương thực và những mặt hàng thiết yếu cho người dân.

Thứ ba, phải thực hiện các quy định pháp luật về giá, kiểm soát giá với những mặt hàng nhà nước định giá. Những mặt hàng nhà nước không định giá sẽ thực hiện cơ chế theo quy định pháp luật. Ví dụ, niêm yết, kê khai, kiểm tra các yếu tố hình thành giá để có những chấn chỉnh kịp thời.

Giải pháp cuối cùng, theo Phó Thủ tướng, là phải tuyên truyền, thông tin đầy đủ về thông tin giá để đông đảo nhân dân hiểu và ủng hộ việc điều hành giá của Chính phủ, tránh lạm phát cũng như tăng giá mà không kiểm soát được.

“Đặc biệt, trong thời điểm tháng 7 là tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng, chúng tôi tính toán rất kỹ, cũng không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, chúng ta phải hết sức quan tâm kiểm soát giá, để cuối năm 2023 đạt được trong mức Quốc hội cho phép CPI không vượt quá 4,5%”, Phó Thủ tướng nêu rõ./.

Báo ảnh Việt Nam/ TTXVN

Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào

Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào

Sáng 20/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, đơn vị liên quan về tình hình sản xuất, cung ứng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, nhất là vào tháng cao điểm tiêu thụ điện năm 2024 và những năm tiếp theo.

Top