Tin tức

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành: Năm 2022, phải quyết tâm hoàn thành 361km cao tốc trục Bắc - Nam

Chiều 18/2, tại cuộc họp về tình hình thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 652,86km, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu, từ nay đến cuối năm 2022, hoàn thành 361 km đường cao tốc, đưa vào khai thác, sử dụng.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

*Trong tháng 3 giải quyết dứt điểm vướng mắc nguồn vật liệu

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, hiện còn thiếu hụt khoảng 12,59 triệu m3 đất đắp tại 6 dự án thành phần. Các địa phương đang tích cực tháo gỡ, dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành gỡ các vướng mắc về nguồn vật liệu đắp nền đường trong tháng 3/2022.

Về tiến độ tổng thể, trong tổng số 11 dự án, có 7 dự án thành phần cơ bản đáp ứng tiến độ (trong đó có 1 dự án thành phần đã hoàn thành); 4/11 dự án thành phần chưa đáp ứng tiến độ so với kế hoạch ban đầu (Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây), nhưng cơ bản đáp ứng tiến độ theo kế hoạch điều chỉnh và đang dần bù lại tiến độ chậm trễ để đảm bảo hoàn thành theo thời gian quy định của hợp đồng. 

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, đây là dự án quan trọng của quốc gia nên Bộ cam kết giải ngân vốn "không thiếu 1 đồng", "làm nhanh thì giải ngân nhanh, tiến độ phụ thuộc vào các nhà thầu và hỗ trợ của các địa phương".

Bộ trưởng Giao thông vận tải yêu cầu tất cả lãnh đạo chủ chốt của các Ban Quản lý dự án phải cam kết tiến độ với Bộ, nếu không đảm bảo sẽ điều chuyển công tác. Nếu nhà thầu nào không đảm bảo tiến độ sẽ không cho dự thầu các dự án khác trong thời gian tới.

 "Vấn đề thiếu mỏ đất, đá cũng là trách nhiệm các ban quản lý dự án, phải phối hợp các địa phương để có mỏ, đảm bảo đủ vật liệu xây dựng", Bộ trưởng nói.

Đối với các dự án phải hoàn thành năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đoạn Cam Lộ - La Sơn là khả thi nhất về đúng tiến độ. Dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 có giá trị sản lượng thực hiện đạt 50%, đã cơ bản xong nền đường, các nhà thầu phải chủ động chuẩn bị đá, mẫu bê tông ngay từ bây giờ. Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết vừa qua thiếu đất trầm trọng; hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận đã tập trung, nỗ lực tháo gỡ và cần hoàn thành bố trí mỏ đất trong tháng 3 để đủ điều kiện đảm bảo tiến độ. Còn dự án Phan Thiết - Dầu Giây, đất đắp hiện đã đủ, nay cần tập trung về đá và bê tông.

Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết hiện vẫn thiếu 3 triệu m3 vật liệu đắp đường. Địa phương đã cấp phép 5 mỏ, dự kiến đưa vào khai thác trong tháng 2/2022, đáp ứng cơ bản khối lượng vật liệu đất đắp còn thiếu, khối lượng vật liệu thiếu còn lại (khoảng 0,7 triệu m3) sẽ sử dụng nguồn từ 2 mỏ đang thực hiện thủ tục cấp phép với trữ lượng 0,9 triệu m3, dự kiến xong trong tháng 3/2022.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng lưu ý, bên cạnh tiến độ, cần bảo đảm chất lượng, không được cắt xén công đoạn. Đội ngũ thi công trực tiếp trên công trường, đội ngũ giám sát cần nêu cao trách nhiệm. 

*Công khai mục tiêu tiến độ đến từng tháng

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, đây là công trình trọng điểm quốc gia, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, là mong mỏi của nhân dân cả nước.

Thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành họp giao ban hằng tháng với các địa phương để đồng hành giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc và giải quyết có hiệu quả. Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản xong. Chính phủ đã ban hành hai nghị quyết về cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác, nâng công suất khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án. Các địa phương đã tổ chức thực hiện hiệu quả hai nghị quyết này. Vấn đề quan trọng là thiếu hụt vật liệu xây dựng, đến nay cũng đã cơ bản được giải quyết.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu từ nay đến cuối năm 2022 hoàn thành 361 km đường cao tốc, đưa vào khai thác, sử dụng. Cụ thể, các đoạn cao tốc đang thi công, yêu cầu phải hoàn thành trong năm 2022 gồm: Đoạn từ Mai Sơn (Ninh Bình) – quốc lộ 45 (Thanh Hóa) dài 63,37km; đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) dài 98,3km; đoạn Vĩnh Hảo (Bình Thuận) đến Dầu Giây (Đồng Nai) dài 199,8km.

Đồng thời, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành 149km trong năm 2023, gồm các đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn (dài 43,28km); Nghi Sơn - Diễn Châu (dài 50km); Nha Trang - Cam Lâm dài 49,1km và cầu Mỹ Thuận 2 dài 6,6km.

Với mục tiêu trên, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương, các nhà thầu, đơn vị thi công quyết liệt, đổi mới hơn nữa.

"Nếu không có đổi mới, tăng cường thiết bị, bộ máy, không tháo gỡ kịp thời vướng mắc về vật liệu xây dựng thì đến cuối năm, hoàn thành mục tiêu rất khó khăn" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trên cơ sở công khai mục tiêu tiến độ đến từng tháng, Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm nếu vi phạm tiến độ. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải kịp thời giải ngân theo đúng tiến độ thi công trên công trường. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Xây dựng thường xuyên tổ chức các đoàn đi kiểm tra hiện trường, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng công trình.

Các địa phương Ninh Bình, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa có trách nhiệm thực hiện nghiêm cam kết giải quyết toàn bộ các vướng mắc về nguồn vật liệu trước ngày 15/3.

Đối với các Ban quản lý xây dựng, nhà thầu xây dựng, đơn vị tư vấn, giám sát, Phó Thủ tướng yêu cầu phải huy động tối đa phương tiện, nhân lực, chạy đua với thời gian, kiểm soát tiến độ chặt chẽ, đảm bảo chất lượng. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn I sẽ là cơ sở quan trọng để quyết định giao nhiệm vụ thi công xây lắp giai đoạn 2 và các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia trong tương lai./.

TTXVN/VNP


Top