Hội nghị diễn ra để Văn phòng SPS Việt Nam, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản; Cục Bảo vệ thực vật và Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội tiếp tục đồng hành, thông tin về tiềm năng thị trường, hướng dẫn đăng ký mã số vùng sản xuất; quy định kiểm dịch thực vật và an toàn sản phẩm thực vật xuất khẩu vào EU, quy trình kiểm soát nhập khẩu của các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản… nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản của Hà Nội. Các chuyên gia tham gia hội nghị đã chia sẻ những chủ đề như: Phổ biến các quy định, cam kết trong xuất khẩu nông sản thực thi cam kết hiệp định RCEP hiện nay, hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc thực hiện lệnh 248,249… đồng thời là những ý kiến giải pháp tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang các thị trường hiện nay.
Trong những năm qua, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung nhằm tạo nguồn nguyên liệu có sản lượng lớn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu với 35 vùng lúa, 104 vùng rau, 56 vùng cây ăn quả, 06 vùng chè, 66 vùng nuôi trồng thủy sản, 48 vùng chăn nuôi lợn trọng điểm, 54 vùng chăn nuôi bò trọng điểm, 60 vùng chăn nuôi gia cầm tập trung, 48 khu chăn nuôi tập trung và 3.800 trại/trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Trên địa bàn Hà Nội có 14.033 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản trong đó thành phố đã hỗ trợ gần 80 cơ sở, doanh nghiệp áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế HACCP. Thành phố có 113 kho lạnh bảo quản các sản phẩm nông lâm thủy sản, trong đó, có 07 kho lớn làm dịch vụ bảo quản với diện tích 29 nghìn m2 phục vụ tốt cho hoạt động logistic nông sản phục vụ xuất khẩu.
Theo số liệu của Cục thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Hà Nội đạt 102 triệu USD, tăng 61% so với cùng kỳ, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt 79 triệu USD.Một số sản phẩm nông sản mũi nhọn của Hà Nội, có chất lượng cao và xuất khẩu đi các nước như nhãn muộn Đại Thành - Quốc Oai xuất khẩu đi Mỹ; Gạo hữu cơ Đồng Phú xuất khẩu đi Đức; rau Văn Đức xuất khẩu Hàn Quốc; chuối tiêu hồng xuất khẩu sang Trung Quốc...
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết: "Hà Nội đã tổ chức đánh giá, xếp hạng đối với 1.649 sản phẩm OCOP, trong đó có 20 sản phẩm tiềm năng 5 sao xuất khẩu, 1098 sản phẩm đạt 4 sao, 534 sản phẩm đạt 3 sao, trong đó có 1.071 các sản phẩm thực phẩm được công nhận OCOP."
Hà Nội đã được cấp 16 mã số vùng trồng cây ăn quả và 04 cơ sở đóng gói với công suất từ 30-50 tấn/ngày/cơ sở để phục vụ xuất khẩu, trong đó 08 mã số cấp cho vùng trồng chuối và 08 mã số cấp cho vùng trồng nhãn. Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục phát triển nhiều sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu như trên 7.000 ha lúa Japonica; 3.200 ha chuối tiêu hồng; trên 5.000 ha rau an toàn; 50 ha rau hữu cơ và nhiều sản phẩm chế biến có tiềm năng xuất khẩu…/.