Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sâm Việt Nam là loại dược liệu quý, hiếm, với những công dụng đặc biệt mà ít loài cây dược liệu có được. Hiện nay, một số địa phương đã nuôi trồng, phát triển Sâm, trong đó chủ yếu là sâm Ngọc Linh được trồng ở tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, với hơn 6.000 ha. Một số địa phương đã tập trung chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường tiêu thụ trong nước. Hoạt động gây trồng, phát triển sâm bước đầu đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa; đồng thời cải thiện hạ tầng, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc tiêu thụ, chế biến Sâm còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh như: Thiếu quy hoạch phát triển nguồn nhiên liệu, thiếu nguồn giống đảm bảo chất lượng; thiếu cơ sở chế biến sâu, công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu còn hạn chế… Hội thảo được tổ chức nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, loài cây đặc hữu có giá trị kinh tế cao.
Tại Quảng Nam, sau khi Đề án bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh được Chính phủ thông qua, tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương và cơ chế chính sách để bảo tồn, phát triển cây Sâm Ngọc Linh. Nhờ vậy, bước đầu đã góp phần bảo tồn nguồn giống gốc, tạo ra nguồn giống đáng kể cung ứng cho nhân dân và doanh nghiệp sản xuất. Diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh được xác định là 15.567ha. Đến nay, 20 doanh nghiệp và người dân đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng trồng Sâm Ngọc Linh với trên 1.600ha. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển cây Sâm Ngọc Linh và sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh chưa có chương trình, định hướng cụ thể, chưa tạo ra sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành, các nguồn lực. Do vậy, việc đề xuất xây dựng "Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) tại Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2030 và định hướng đến 2045" là rất cần thiết.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: Cần phát triển cây Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) thành ngành công nghiệp sản xuất đạt thương hiệu sản phẩm quốc gia và đưa ngành sản xuất, chế biến sâm Việt Nam (Sâm Ngọc Linh) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Quảng Nam phấn đấu đến năm 2045 trở thành trung tâm cung ứng Sâm Ngọc Linh trên toàn quốc; sản xuất, cung ứng cây giống Sâm Ngọc Linh, sâm nguyên liệu và các sản phẩm chế biến từ Sâm, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất Sâm có thể cạnh tranh ngang với Hàn Quốc.
Tỉnh Quảng Nam đề xuất các bộ, ngành tham mưu Chính phủ sớm ban hành Chương trình phát triển Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam); đồng thời có những cơ chế hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp trồng, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ Sâm núi Ngọc Linh; hỗ trợ xây dựng Bộ tiêu chuẩn sản xuất giống, trồng, thu hoạch... phù hợp với thông lệ quốc tế để tạo điều kiện cho Sâm Ngọc Linh tiếp cận với thị trường thế giới. Đồng thời, có cơ chế chính sách riêng đủ mạnh về tín dụng đối với việc đầu tư phát triển Sâm Ngọc Linh nói riêng và các loại dược liệu khác nói chung. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, cơ sở pháp lý để xác nhận cây Sâm Ngọc Linh hiện trồng ở Quảng Nam là Sâm nuôi trồng nhân tạo (không phải là sâm tự nhiên trong phụ lục của CITES); định hướng về chủ trương trồng Sâm Ngọc Linh và dược liệu dưới tán rừng./.