Tin tức

Phát huy vai trò của tổ chức Hội phụ nữ Hà Nội trong tuyên truyền, sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Trên địa bàn thành phố có 14.033 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; 906 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản, trong đó doanh nghiệp do nữ làm chủ chiếm khoảng 40%; hơn 1.650 hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể thực hiện sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản.
  Phó chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ Hà Nội, bà Phạm Thị Thanh Hương phát biểu tại hội thảo.  
Ngày 31-7, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò của tổ chức Hội phụ nữ trong tuyên truyền, sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Các đại biểu tham dự hội thảo đang thảo luận dưới hội trường về công tác ATTP.
Thủ đô Hà Nội có vị trí địa lý - chính trị quan trọng, là thị trường tiêu thụ lớn về hàng hóa với mạng lưới phân phối lớn, thúc đẩy sự phát triển sản xuất, kinh doanh của vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng, miền trong cả nước. Mặc dù là Thủ đô, diện tích sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn rất lớn nhưng sản xuất nông nghiệp Hà Nội mới chỉ đáp ứng một phần từ 20-70% (tùy theo các sản phẩm) cho hơn 10 triệu người đang sinh sống, làm việc, học tập và hàng năm đón khoảng 20 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế.Số còn lại được kết nối từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu.
  Toàn cảnh hội thảo “Phát huy vai trò của tổ chức Hội phụ nữ trong tuyên truyền, sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.  
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết: Trong những năm qua, các cấp Hội phụ nữ thành phố đã chủ động, tích cực phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sức khỏe của gia đình và sự phát triển kinh tế - xã hội. Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện, thị xã xây dựng, nâng cao chất lượng và nhân rộng nhiều mô hình thực hiện an toàn thực phẩm. Đặc biệt mô hình “Chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm” được triển khai sâu rộng và hoạt động hiệu quả, góp phần giúp hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm tiến đến thay đổi hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm bảo đảm an toàn; nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Các cấp Hội cũng chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức tập huấn kiến thức về sản xuất, tiêu dùng rau an toàn, giới thiệu sản phẩm chuỗi sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội; xây dựng các điểm phân phối thực phẩm an toàn; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thương mại điện tử để quảng bá rộng rãi, kết nối tiêu thụ nông sản và thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng Thủ đô…
  Các khách mời của hội thảo đến thăm quan quầy giới thiệu sản phẩm tại hội thảo.  

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn thành phố có 14.033 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; 906 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản, trong đó doanh nghiệp do nữ làm chủ chiếm khoảng 40%; hơn 1.650 hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể thực hiện sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản. Hà Nội đã xây dựng phát triển 159 chuỗi sản xuất, chế biến, cung ứng sản phẩm an toàn.Các chuỗi đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tích cực hưởng ứng tham gia.

Quầy giới thiệu sản phẩm của cty chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm.
Nhiều chuỗi được tổ chức khép kín từ khâu sản xuất đến khâu phân phối tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu sản phẩm mạnh trên thị trường như: HTX Hoàng Long, thịt lợn Oganic Green, trứng gà Công ty CP Tiên Viên, nấm công ty Kinoko Thanh Cao,…
  Một quầy bán sản phẩm trà trong chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm ở Hà Nội bên lề Hội thảo.  
Trong 6 tháng đầu năm 2023, các đơn vị của Sở đã phối hợp tổ chức 58 hội nghị, hội thảo, lớp tuyên truyền, tập huấn kiến thức về chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm nông sản với hơn 5.600 người tham dự; các đơn vị của Sở cũng tăng cường công tác phối hợp với các cấp Hội phụ nữ đổi mới và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền; phổ biến kiến thức nhận diện thực phẩm an toàn; hướng dẫn chế biến, bảo quản, sử dụng thực phẩm an toàn… Công tác giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nông lâm thủy sản được thực hiện trên diện rộng, tập trung vào sản phẩm có nguy cơ cao: Trung bình mỗi năm các đơn vị của Sở lấy khoảng 2.500 mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản để giám sát, cảnh báo nguy cơ, Kết quả phát hiện 5,8% mẫu vi phạm. Kết quả giám sát cho thấy mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh trên thịt gia súc gia cầm đã giảm rõ rệt (năm 2021 là 6%, năm 2022 là 4%). Tỷ lệ vi phạm về các chỉ tiêu hóa học (thuốc BVTV, kháng sinh, chất bảo quản…) có xu hướng giảm qua các năm (năm 2021 là vi phạm chỉ tiêu thuốc bảo vệ thực vật trên rau, củ quả từ 2-3%, năm 2022 là 1,6%)... Trong 6 tháng đầu năm 2023, 100% mẫu giám sát của Sở đã thực hiện đều đảm bảo an toàn thực phẩm các chỉ tiêu phân tích.
  Một số sản phẩm tại gian trưng bày.  
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những thông tin hữu ích về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm sản và thủy sản trên địa bàn thành phố; các giải pháp tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm sản và thủy sản; thực trạng vai trò của các cấp Hội phụ nữ tham gia tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản an toàn; trên cơ sở đó cùng đề xuất các giải pháp trong thời gian tiếp theo…

          Thực hiện: Diệu Hương


Top