Tin tức

Nửa thế kỷ hữu nghị Pháp - Việt dưới góc nhìn học thuật

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong hai ngày 31/3 và 1/4, trường Đại học Paul Valéry Montpellier 3 phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức hội nghị chuyên đề "Pháp-Việt Nam 1973-2023: Từ di sản lịch sử đến thách thức của thế kỷ 21" nhằm kỷ niệm 50 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược.
  Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng phát biểu trong buổi chiêu đãi khách mời hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thu Hà - P/v TTXVN tại Pháp 

Tại hội nghị, các chuyên gia chia sẻ nhận định cái bắt tay giữa ông Mandès-France và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng tại lễ ký kết Hiệp định Genève ngày 20/7/1954 về đình chiến ở Việt Nam là một dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa hai nước không bao giờ lơi lỏng. Kể từ đó đến nay, Pháp luôn là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu và trên thế giới. Pháp cũng là một trong những quốc gia tích cực, đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Với sự giúp đỡ của Pháp, Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 tại Hà Nội năm 1997 là sự kiện đa phương đầu tiên mà Việt Nam tổ chức với sự tham gia của nhiều nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ, mở đường cho Việt Nam từng bước hội nhập thành công vào các cơ chế quốc tế khác như Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp được ký kết năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, thể hiện tầm cao mới trong của tình hữu nghị giữa hai nước, góp phần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác song phương và nỗ lực vì hòa bình, phát triển bền vững. Và giờ đây, nhân kỷ niệm 50 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược, chặng đường nửa thế kỷ đầy dấu ấn trong mối quan hệ Pháp - Việt đã được xem xét, đánh giá dưới góc nhìn học thuật, với sự tham gia của hàng chục học giả, các nhà ngoại giao và nhân sĩ đến từ hai nước Việt Nam và Pháp.
 Từ những ký ức về chiến tranh, đến quá trình hòa hợp Pháp - Việt; từ những ảnh hưởng về tôn giáo, võ thuật, đến giao lưu văn hóa, kinh tế; từ trao đổi chính trị đến hợp tác quân sự;  từ giảng dạy tiếng Pháp đến đào tạo đại học trên nền tảng Pháp ngữ … hơn 30 bài tham luận của các diễn giả trong các buổi hội thảo, tọa đàm đã tạo nên một bức tranh toàn cảnh phong phú và đa dạng của mối quan hệ Việt Nam - Pháp trong suốt nửa thế kỷ qua. Các diễn giả đã kết hợp những tổng hợp và phân tích của mình để đánh giá mối quan hệ này trên mọi lĩnh vực, giúp hiểu rõ hơn những điểm mạnh và điểm yếu cũng như khuyến khích sự phát triển trong bối cảnh khu vực và quốc tế đang có nhiều thay đổi sâu sắc. Vượt ra khỏi khuôn khổ gò bó của bốn bức tường phòng họp, hội nghị được tổ chức bằng cả hình thức trực tuyến đã giúp các diễn giả và khách mời tại Việt Nam và nhiều nơi khác có thể tham dự và chia sẻ quan điểm của mình.

  Tọa đàm bàn tròn về lịch sử quan hệ Pháp - Việt tại Montpellier. Ảnh: Nguyễn Thu Hà - P/v TTXVN tại Pháp  

 Theo Giáo sư Pierre Journoud, đại diện trường Đại học Paul Valéry Montpellier 3, hội nghị do trường phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và nhiều đối tác khác là một cơ hội để tổng kết lại chặng đường 50 năm, một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước trong mọi lĩnh vực. Ông nhấn mạnh: "Thông qua các buổi hội thảo và tọa đàm bàn tròn, chúng tôi cố gắng đề cập đến mọi khía cạnh của mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước, từ lịch sử đến chiến lược, từ hợp tác kinh tế đến văn hóa, cũng như những lĩnh vực hợp tác khác giữa Pháp và Việt Nam. Các góc nhìn mang tính nghiên cứu học thuật của học giả và chính trị gia hai nước nhằm giúp người tham dự thấy rõ hơn những nỗ lực mà hai bên đã thực hiện để vượt lên những thách thức trong lịch sử, xích lại gần nhau, hòa hợp thành công và đi đến tạo dựng mối quan hệ mạnh mẽ, vững chắc và ổn định như ngày nay". Giáo sư Pierre Journoud cho biết thêm rằng "hội nghị cũng là dịp để nhìn nhận và chỉ ra những mặt còn yếu kém, cũng như những rào cản trong mối quan hệ song phương, để từ đó đề xuất những giải pháp khắc phục và cân bằng mối quan hệ trong thời gian tới".
 Đánh giá về hiệu quả của sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho rằng các chủ đề được trải dài trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa, đến y tế, giáo dục đại học, môi trường, Pháp ngữ..., đã thể hiện khía cạnh đa dạng của hợp tác Việt Nam và Pháp hiện nay. Đại sứ nhấn mạnh: "Các tham luận và phát biểu đóng góp tại hội nghị đã đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh của quan hệ giữa hai nước, đồng thời cũng nêu ra những thách thức mà quan hệ Việt - Pháp cần phải vượt qua để có thể tiến mạnh hơn, đi vào chiều sâu, chiều rộng hơn, hiệu quả hơn so với trước. Hội thảo cũng là dịp tìm tòi để đưa ra những hướng đi mới trong quan hệ Việt - Pháp trong thời gian tới". Đại sứ hy vọng rằng các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động, các chính quyền địa phương, đặc biệt là ở Montpellier, nơi có cộng đồng người Việt luôn hướng về đất nước, sẽ có những đóng góp mới vào quan hệ Việt - Pháp trong thời gian tới.
 Trong khuôn khổ hai ngày hội nghị, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đã tổ chức giới thiệu các hình ảnh về các tiềm năng kinh tế và du lịch cũng như vẻ đẹp của biển đảo Việt Nam./.

Báo ảnh Việt Nam/TTXVN


Top